Với trường hợp của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thì đó mới chỉ là báo cáo của Chủ tịch Hội đồng xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, chưa phải là Hội đồng đã duyệt chính thức.
“Hồ sơ để lại là những hồ sơ chưa rõ ràng, chưa đầy đủ hoặc hồ sơ có kiện cáo, khiếu nại chưa được giải quyết đầy đủ thỏa đáng. Hoặc đã giải quyết rồi nhưng vẫn còn nhiều dư luận. Nên để lại để chắc chắn và mọi người cũng thoải mái. Quan điểm của chúng tôi là như vậy” – GS. Phạm Gia Khánh khẳng định.
Ứng viên nào chuẩn về hồ sơ, đủ các tiêu chuẩn, không có khiếu nại hoặc có khiếu nại nhưng đã giải quyết thỏa đáng thì cần được phê duyệt. Những ứng viên vẫn còn người thắc mắc thì nên để lại.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có đơn thư khiếu nại. Có đơn đã giải quyết nhưng có cái chưa giải quyết xứng đáng. Những trường hợp như vậy nên để lại rà soát lại công khai, để mọi người tâm phục khẩu phục.
Một nguồn tin từ Hội đồng chức danh giáo sư cho biết trong số 1.226 hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh GS, PGS năm 2017 sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, HĐCDGS Nhà nước đã tạm để lại một số lượng lớn hồ sơ GS, PGS. Hồ sơ GS của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nằm trong danh sách để lại xem xét.
Trả lời trên báo chí, GS.TSKH Phùng Đắc Cam, HĐCDGS ngành y, cho biết hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa điểm để xét duyệt hồ sơ. Cụ thể, về tiêu chí giảng dạy, bà Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia giảng dạy tại ĐH Y Dược TP HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bộ trưởng Tiến có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp. Người đứng đầu cơ quan quản lý y tế còn thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford, Anh.
"Ở Việt Nam chưa có nhà khoa học nào được mời thỉnh giảng 2 lần tại ĐH danh tiếng như ĐH Oxford. Bản thân trường ĐH này cũng xét duyệt hồ sơ rất kỹ trước khi mời cá nhân tham gia giảng dạy"- GS Cam nói.
Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015.
Trả lời báo chí, Tổng thư ký Trần Văn Nhung lý giải sự tăng mạnh là thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.
Ông Nhung khẳng định, Hội đồng các cấp không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá; chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 không giảm, thậm chí tăng lên. Tuy nhiên lời giải thích này chưa nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.
Bên cạnh đó, trong 1.226 ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vừa công bố, có nhiều người là quan chức, ở các bộ, sở, ban ngành... dư luận băn khoăn không biết họ đã có những công trình, giải thưởng gì như quy định của Thủ tướng.
Ngày 8/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước - xem xét, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào ngày 1/3.