Sáng 5/7, các đại biểu đặt câu hỏi về tiến độ phê duyệt đồ án quy hoạch khu đất 148 Giảng Võ (từng là Trung tâm triển lãm Giảng Võ trên địa bàn quận Ba Đình) tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh, dự án 148 Giảng Võ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2016 nhưng quá trình triển khai gặp một số vướng mắc và ý kiến cộng đồng của cư dân, nên sau đó dự án đã tạm dừng.
Ông Kỳ Anh dẫn lại thông tin của UBND Hà Nội về cam kết phê duyệt, triển khai dự án trên vào giữa năm 2023 nhưng hiện chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là một số vấn đề phải lấy ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng. Đến nay, hai bộ này đã có ý kiến và các đơn vị đang tổng hợp.
"Chúng tôi cam kết trong tháng 7 sẽ trình nội dung nhiệm vụ và tháng 8 sẽ có đồ án để thành phố phê duyệt" , ông Kỳ Anh nói và cho biết, Hội đồng thẩm định đã có ý kiến tổng hợp, dự thảo văn bản gửi UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh trả lời chất vấn.
Giải trình thêm về nội dung trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết đơn vị không quyết định được thời điểm khởi công dự án 148 Giảng Võ.
Theo ông Quân, quá trình điều chỉnh quy hoạch với dự án trên, vướng mắc gặp phải là doanh nghiệp cần thoái vốn khỏi dự án theo yêu cầu của Chính phủ bởi đây là một trong 3 dự án thành phần của triển lãm quốc gia.
"Sau khi nhà đầu tư đề xuất, Sở sẽ giải quyết nhanh nhất và xem xét trước những vướng mắc khó khăn để đề xuất cấp có thẩm quyền. Nếu trong năm nay nhà đầu tư trình, nhanh nhất phải đến năm 2024 mới có thể khởi công, còn năm nay thì khó", theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư.
Liên quan đến dự án Công viên văn hoá Đống Đa "đắp chiếu" hơn 20 năm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, UBND TP đã có cam kết để tháng 7/2022 được phê duyệt.
Là cơ quan tham mưu của thành phố, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận trách nhiệm đối với công tác triển khai quy hoạch tại đây.
Song theo vị giám đốc sở, có những nguyên nhân mang tính chất khách quan trong quá trình triển khai đối với những công viên trên địa bàn thành phố (như với công viên Tuổi Trẻ, công viên Thủ Lệ...). Vướng mắc chung của các công viên này là về vấn đề đất và nhà ở của dân trong các khu vực công viên.
“Với chỉ đạo của UBND TP chúng tôi đã tham mưu cùng chính quyền địa phương để rà soát, đánh giá về quá trình pháp lý trong quá trình triển khai và báo cáo UBND TP.
Nếu chúng ta chấp nhận vấn đề tồn tại của khu vực đất ở trong các công viên hiện nay thì cần điều chỉnh từ quy hoạch 1259 trở đi (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050). Có một vấn đề tương đối thuận lợi là hiện nay chúng ta đang điều chỉnh quy hoạch 1259”, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết.
Riêng với Công viên Đống Đa, từ 2001, thành phố đã quyết định khoanh vùng với diện tích hơn 6 ha. Đến năm 2005, thành phố quyết định để xác định ranh giới là hơn 7 ha.
Hiện nay, sau khi quận Đống Đa rà soát cùng Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Quy hoạch Kiến trúc thì đã đề xuất xem xét khoanh vùng trong đó có 2 ha bổ sung thêm so với ranh giới khu vực nghiên cứu Công viên Đống đa.
“Chính vì vậy, phạm vi ranh giới này có khác so với quy hoạch chi tiết trước đây được duyệt và đồ án quy hoạch chung” , ông Kỳ Anh cho biết.
Tháng 2/2023, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn Quận Đống Đa, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường để khoanh vùng và rà soát lại các khu vực đất đai, khu vực cây xanh, khu vực đã triển khai và khu vực dân cư hiện có.
Trong khu vực này có Trạm biến áp 110kV và Trường mầm non Trung Liệt – 2 dự án sẽ phải trừ đi so với tổng diện tích của công viên.
Quận Đống Đa hiện nay đã lập đề cương thanh toán để gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc và quận cho biết trong tháng 7/2023 sẽ gửi phạm vi ranh giới và đề cương thanh toán lên để sở thẩm định.