Hồi còn nhỏ, ai nấy đều mong muốn được rời khỏi quê hương, bước ra nơi chân trời rộng lớn hơn. Tìm đến những thành phố lớn để học tập, làm việc… trở thành lựa chọn của nhiều người. Tại đây, chúng ta được tiếp xúc với nhiều người, trải qua nhiều thăng trầm và dần trưởng thành hơn.
Thế nhưng khi đối mặt cuộc sống áp lực, tài chính đè nặng… nhiều người lại có xu hướng bỏ phố về quê sinh sống và làm ăn. Đây quả thực là 1 quyết định khó khăn với người trẻ bởi nhiều người cũng hoang mang với câu hỏi: “Về quê thì làm gì để sống”.
Xu hướng bỏ phố về quê ngày càng thịnh hành, rất nhiều người trẻ tìm hướng đi mới cho tương lai của mình. Thế nhưng trên thực tế không phải ai bỏ phố về quê nhỏ sống cũng đều thành công. Thậm chí còn có những người mắc kẹt trong chính quyết định của mình, rơi vào tình trạng khổ sở, không có đường lui.
Người trẻ chỉ muốn bỏ thành phố, tìm bình yên
Những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin giới trẻ bỏ phố về quê sinh sống, làm việc. Thậm chí còn có rất nhiều bạn trẻ mới ra trường đã tìm về trải nghiệm cuộc sống trên đảo, trên biển, lên rừng…
Thực chất, đằng sau việc bỏ phố về quê tồn tại những lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là liên quan tới cuộc sống của giới trẻ ở thành phố.
Sau khi ra trường, tìm việc làm và sinh sống trên thành phố lớn, không thể phủ nhận các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn. Họ được gặp gỡ, va chạm nhiều người, thử thách mình trong nhiều công việc nên trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những yêu cầu cao hơn từ lãnh đạo, áp lực công việc tăng khiến người trẻ mệt mỏi. Dĩ nhiên để có được mức lương tốt, môi trường năng động, con đường thăng tiến rộng mở, họ phải “hao tâm tổn trí”, dồn nhiều công sức vào công việc mỗi ngày. Điều đó làm nhiều người cảm thấy “nghẹt thở”, muốn thay đổi thực tại và tìm 1 cơ hội khác.
Chưa kể, mức sống, sinh hoạt ở thành phố lớn cũng khiến nhiều người áp lực hơn. Trên thành phố, đồ ăn, thức uống hay quần áo, dịch vụ… đều đắt hơn 1 chút. Trong khi đó nhiều người chỉ đạt được mức thu nhập trung bình. Họ vừa phải lo sinh hoạt phí hàng tháng, vừa phải tiết kiệm để mua nhà, mua xe… nên áp lực đè nặng vô cùng.
Hơn nữa, để mỗi người mua được 1 căn nhà đàng hoàng ở thành phố lớn không phải vấn đề đơn giản. Nếu như không gia tăng thu nhập hoặc không tiết kiệm, chắt bóp từng đồng, chúng ta khó mà sở hữu được 1 căn nhà ưng ý và an cư lạc nghiệp.
Đây là câu chuyện của nhiều bạn trẻ, điển hình là Trần Quang Huy (ở Đồng Nai). Anh vốn là 1 nhân viên bảo trì ở 1 công ty trên thành phố. Nhận mức lương ổn nhưng lại mâu thuẫn với đồng nghiệp, áp lực công việc kéo dài nên Quang Huy đã quyết định rời thành phố, xách balo về quê lập nghiệp.
Về quê yên bình… nhưng không yên ổn
Nhiều người có xu hướng bỏ phố “về quê nuôi cá và trồng thêm rau”, thế nhưng thực tế không phải ai cũng thành công. Bên cạnh những người có cuộc sống phát triển, ổn định ở quê nhà, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với tình trạng lạc lõng, mất định hướng.
Khi về quê, chúng ta cần 1 khoảng thời gian để thích nghi với công việc, cuộc sống ở quê. Khoảng thời gian chông chênh này sẽ qua đi nếu như bạn có định hướng rõ ràng. Thế nhưng nó sẽ tiếp diễn mãi nếu bạn không đưa ra những quyết định đúng đắn.
Về quê, chúng ta bắt đầu đi tìm những cơ hội nghề nghiệp khác. Mức lương mà ta nhận được chưa chắc đã bằng với thu nhập trên thành phố dù mức sinh hoạt thấp hơn. Chưa kể, chúng ta sẽ phải gây dựng các mối quan hệ mới trong công việc và không chắc chắn có thể gắn bó.
Hơn nữa, khi bỏ phố về quê chúng ta sẽ đối mặt với những lời bàn tán, gièm pha. Những người không hiểu biết sẽ nghĩ ta kém cỏi, phải bỏ về xóm nhỏ để kiếm kế sinh nhai. Những lời bàn tán khó nghe này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng, tâm lý của chúng ta.
Khi đã quyết định về quê sinh sống và làm việc, sau này chúng ta sẽ khó quay trở lại thành phố hơn. Khi quen với nếp sống ở quê nhà, lên lại thành phố dễ làm ta choáng ngợp, áp lực hơn nhiều. Vì thế, dù có thành công hay thất bại ở quê nhà, nhiều bạn trẻ vẫn không tìm lên thành phố.
Ảnh minh họa: Internet
Câu chuyện của chàng trai Trần Quang Huy nói trên cũng là 1 ví dụ điển hình. Sau khi về quê, Quang Huy dồn vốn liếng và mở trang trại. Anh bỏ cả gia tài vào mảnh đất hơn 1ha, trồng rau, nuôi cá, nuôi heo.
Những tưởng công việc sẽ ổn định và có được lợi nhuận, Quang Huy nhận cái kết đắng khi dịch tả ập tới khiến đàn lợn chết gần hết, giá cá giảm nên doanh thu không đáng mấy.
Khi bế tắc, Huy chuyển sang làm trang trại nuôi gà nhưng cũng chật vật chẳng kém. Mỗi 1 năm anh chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng, số tiền này cũng chỉ đủ sống, không được bằng thời đi làm công ty.
Trên thực tế, nhiều người bỏ phố về quê làm ăn nhưng chỉ yên bình chứ không… yên ổn. Vấn đề nằm ở mỗi con người, nếu như chúng ta có năng lực, luôn có ý thức vươn lên và phát triển thì dù ở quê hay ở thành phố ta cũng là “ngôi sao sáng”.
Dù ở thành phố hay về quê chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, lợi có, hại có nên bản thân mình mới là yếu tố quan trọng nhất. Nếu bạn chứng minh được năng lực của mình, tìm được 1 công việc phù hợp thì dù sống ở đâu cũng chỉ là thứ yếu.
Theo Baidu