Vì sao G7 tìm cách mở rộng ảnh hưởng?

Bình Giang |

Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa gửi lời mời Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm sau, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang nỗ lực tạo nên mạng lưới rộng hơn để chống lại sức mạnh càng lớn của Trung Quốc.

Văn phòng của ông Johnson thông báo đã gửi lời mời đến lãnh đạo Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc tham gia hội nghị dự kiến diễn ra trong năm sau tại Anh, “nhằm thực hiện mong muốn của thủ tướng về việc phối hợp với các quốc gia cùng chí hướng để thúc đẩy lợi ích chung và giải quyết thách thức chung”. Địa điểm, thời gian và hình thức tổ chức hội nghị chưa được quyết định vì còn tùy thuộc tình hình đại dịch COVID-19, Reuters đưa tin.

Lời mời được gửi đi khi ông Johnson thông báo sẽ thăm Ấn Độ trong tháng sau, như một phần của chiến lược tham gia sâu hơn vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Quan hệ giữa Anh với Trung Quốc đã trượt dốc xuống mức rất thấp, chủ yếu vì luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp dụng với Hong Kong và việc London cấm hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia phát triển các mạng 5G.

Những bận tâm ngày càng lớn trước hàng loạt bước đi quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dẫn đến nhiều nỗ lực ngoại giao của Mỹ, Anh và EU, nhằm tạo nên một mạng lưới rộng hơn với sự tham gia của Ấn Độ, Úc và một số nước khác để đương đầu với những thách thức do Bắc Kinh tạo ra. Úc đang hứng hàng loạt đòn trừng phạt thương mại từ Trung Quốc, còn Ấn Độ vẫn đối đầu quân sự với Trung Quốc trên dãy Himalaya.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lại các mối quan hệ đồng minh sau 4 năm Tổng thống Donald Trump đối đầu với Trung Quốc theo kiểu “không giống ai”.

Ông Trump cũng từng mời 3 nước trên dự thượng đỉnh G7 trong năm nay, sự kiện đáng lẽ diễn ra vào tháng 6 nhưng cuối cùng bị huỷ vì đại dịch. Dù Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc chưa phản hồi lời mời của ông Johnson nhưng năm ngoái đã nhận lời mời của ông Trump.

EU chưa tìm được quan điểm chung của 27 quốc gia thành viên về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng đã cam kết làm việc với chính quyền tiếp theo của ông Biden để làm sâu sắc các mối quan hệ ở khu vực, và gần đây đã nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược.

Trong thông báo vừa đưa ra, ông Johnson nói rằng “là một người chơi quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ấn Độ ngày càng trở thành một đối tác không thể thay thế đối với Anh khi chúng tôi cùng làm việc để thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, đương đầu với những thách thức chung về an ninh của chúng ta và bảo vệ hành tinh”.

Khi thực hiện chuyến thăm, ông Johnson sẽ trở thành nhà lãnh đạo thứ hai của Anh từng thăm Ấn Độ kể từ khi Ấn Độ giành độc lập. Ông Johnson dự kiến sẽ là khách danh dự trong lễ duyệt binh trong Ngày Cộng hoà ở New Delhi. Trước đó mới có ông John Major thăm Ấn Độ trên cương vị thủ tướng vào năm 1993. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đến New Delhi từ hôm 15/12 và gặp Thủ tướng Narendra Modi trong ngày 16/12.

Ông Raab nói rằng Anh cam kết xây dựng “quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng mạnh mẽ hơn” với Ấn Độ, và rằng điều này “sẽ giúp chúng tôi đối phó với những thách thức mới trỗi dậy như không gian và an ninh mạng”. “Chúng tôi muốn làm việc với nhau để bảo đảm các mạng viễn thông, mạng 5G, an toàn hơn và có sức chịu đựng tốt hơn”, ông Raab nói. Còn ông Modi dự kiến thăm Bồ Đào Nha trong năm sau và dự cuộc họp thượng đỉnh cùng tất cả 27 lãnh đạo chính phủ EU.

Đức có thể đưa tàu chiến đến Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi vừa bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch của Đức về việc đưa một tàu chiến đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Japan Times đưa tin.

Trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Đức Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 15/12, Bộ trưởng Kishi bày tỏ hy vọng về khả năng con tàu tham gia các hoạt động trên Biển Đông và diễn tập cùng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại