Trước việc phải nộp một số tiền lớn cho hóa đơn điện do EVN thay đổi thời gian chốt số công tơ điện, nhiều người dân Hà Nội thắc mắc tại sao ngành điện lại thực hiện cách làm này, nếu không làm thay đổi số tiền phải đóng?
" Nếu ngành điện lý giải là hóa đơn cộng gộp đợt này không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của khách hàng, không làm tăng số tiền điện phải nộp hàng tháng của người dân thì tại sao phải làm thế để thêm phần rắc rối, khó hiểu, khiến người dân khó theo dõi ", độc giả Thanh Lan (quận Ba Đình) đặt câu hỏi.
Tương tự, nhiều độc giả thắc mắc tại sao EVNHANOI không chia nhỏ các lần đóng hóa đơn tiền điện để giảm bớt áp lực tài chính của người dân ngay sau dịp Tết? "Nên áp dụng ngày thanh toán mới là cuối tháng sau khi đã thu hóa đơn tiền điện riêng lẻ của tháng 1 và đầu tháng 2, như thế mới hợp lý", độc giả Minh Anh (quận Hai Bà Trưng) nêu ý kiến.
Trả lời VTC News về việc thay đổi thời gian chốt số công tơ điện, ông Lê Ánh Dương - Phó tổng Giám đốc EVNHANOI cho biết, việc làm này nhằm giúp cơ quan quản lý dễ theo dõi, thống nhất số liệu để báo cáo, hạn chế các sai sót. Ngoài ra còn giúp ngành điện thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng.
Việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện cũng nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hàng tháng, chủ động trong việc thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán.
“Việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ có làm hoá đơn tiền điện cao nhưng quyền lợi của hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thủ đô được đảm bảo, do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc cũng được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số. Các tháng tiếp theo đó sẽ quay trở lại bình thường”, ông Dương nói.
Theo đó, trước đây các hộ dân ghi chỉ số công tơ từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng. Trong tháng thay đổi, EVNHANOI chốt công tơ ngày 29/2, khiến thời gian sử dụng điện của người dân tăng thêm 11 - 28 ngày.
Do số ngày thực tế của kỳ hóa đơn này tăng lên, kéo dài thàng 57 ngày nên EVNHANOI cũng tăng số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 sẽ từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.
“Con số tối đa 92kWh và 184kWh mà chúng tôi đưa ra không cố định. Tùy theo số ngày tiêu thụ điện tăng thêm của mỗi hộ gia đình sẽ có cách tính toán cụ thể, phù hợp. Nếu số ngày tiêu thụ điện tăng thêm ít đi, đồng nghĩa với sản lượng tính trên giá bậc thang sẽ giảm xuống tương ứng (nhỏ hơn 92kWh đối với bậc 1, bậc 2 và nhỏ hơn 184kWh đối với bậc 3, bậc 4)” , ông Dương phân tích.
Hiện nay, bậc 1 biểu giá điện sinh hoạt mới cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.728 đồng/kWh). Bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (giá cũ là 1.786 đồng/kWh). Bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (giá cũ là 2.074 đồng/kWh).
Bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (giá cũ là 2.612 đồng/kWh). Bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (giá cũ là 2.919 đồng/kWh). Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (giá cũ 3.015 đồng/kWh).
Lãnh đạo EVNHANOI cũng cho biết thêm, thực tế kế hoạch thay đổi lịch chốt số công tơ điện về ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện của EVN Hà Nội đã có từ tháng 10/2023.
“Việc chưa thực hiện được vào cuối tháng 11/2023 là do biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tăng trong tháng, vệc tăng thêm thời gian sử dụng điện thời điểm này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân. Do vậy, sang đầu năm nay, đơn vị này mới thực hiện thay đổi đồng bộ ở 30 công ty điện lực trên địa bàn”, ông Dương nói.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVNHANOI, bởi đây là việc làm cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hoá đơn cũng như đảm bảo công bằng cho các khách hàng sử dụng điện (kể cả hộ tiêu thụ sinh hoạt và hộ sản xuất, kinh doanh).
“Việc thay đổi ghi chỉ số công tơ cũng là trong chỉ đạo chung từ quản lý Nhà nước đến doanh nghiệp, đến người dân. Việc thống nhất ngày ghi chỉ số sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, cũng như dễ dàng trong công tác quản lý, vận hành và thanh quyết toán của bên đơn vị bán điện, người sử dụng điện.
Về việc làm này chúng tôi cũng mong mỏi từ lâu. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng kỹ thuật nên chưa thực hiện. Bây giờ chúng ta đã làm chủ và đã chuyển đổi số rất mạnh thì việc áp dụng này là rất tốt và phù hợp ”, ông Thắng nói.
Trước đây, lịch ghi chỉ số công tơ trên địa bàn Hà Nội diễn ra từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng (tùy địa bàn). Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng thì hóa đơn tiền điện sẽ cao hơn so với bình thường, do số ngày tiêu thụ điện tăng lên.
Trong khi đó, theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện được EVN triển khai và có lộ trình trong cả giai đoạn từ năm 2023 - 2025.
“Trong giai đoạn này, tùy địa phương lựa chọn thời điểm chuyển đổi ghi chỉ số công tơ phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương, không nhất thiết phải làm ngay. Hiện tại các tỉnh, thành phố ở phía Nam và miền Trung đã hoàn thành chuyển đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện, còn lại một số tỉnh, thành phố ở phía Bắc đang triển khai”, đại diện EVN thông tin.
Việc thay đổi lịch ghi chỉ số điện nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hàng tháng, chủ động trong việc thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán.
"Công tác này giúp cho ngành điện ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng; tuân thủ, đáp ứng đúng theo yêu cầu, quy định nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, thể hiện đầy đủ doanh thu trong năm tài chính phù hợp với chi phí phát sinh trong năm kế toán", đại diện EVN khẳng định.