Vì sao đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể vận hành trước Đại hội Đảng XIII?

Phi Long |

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể khai thác trong tháng 1 là do chưa hoàn thành thủ tục. Dự kiến sẽ hoàn tất bàn giao tuyến đường sắt này cho TP Hà Nội trong tháng 3 tới.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lần thứ 9 lỡ hẹn vận hành thương mại.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lần thứ 9 lỡ hẹn vận hành thương mại.

Chiều 20/1, trao đổi với phóng viên báo chí, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành thương mại trong tuần tới như dự kiến.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: "Hiện chưa có báo cáo đánh giá về kết quả vận hành thử nghiệm dự án. Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT vẫn đang làm việc với Tổng thầu Trung Quốc và Tư vấn Pháp về cung cấp tài liệu, hoàn tất đánh giá".

Đề cập tới khả năng bàn giao, khai thác Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII như cam kết trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin: "Do chưa hoàn tất thủ tục nên Dự án chưa thể bàn giao, khai thác trước Đại hội Đảng".

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từng cam kết đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác trước Đại hội Đảng toàn quốc (tháng 1/2021).

Vì sao đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể vận hành trước Đại hội Đảng XIII? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo và cam kết tiến độ vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông trước ĐH Đảng với Thường trực Chính phủ ngày 28/10. Ảnh CP.


Cụ thể, vào cuối tháng 10/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã cam kết phấn đấu trong tháng 12/2020 hoàn thành nghiệm thu có điều kiện, cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021).

Tại cuộc họp này, ghi nhận cam kết nói trên, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP. Hà Nội phải tập trung sức lực".

Vì sao đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể vận hành trước Đại hội Đảng XIII? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong một làn đi kiểm tra tàu Cát Linh - Hà Đông.


Theo kế hoạch ban đầu, ngày 15/1 cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành dự án sẽ được hoàn tất. Ngày 20/1 sẽ kết thúc quá trình đánh giá về kết quả vận hành thử nghiệm toàn hệ thống Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và chuẩn bị bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác.

Bộ GTVT cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống theo 166 quy trình, từ ngày 12/12 - 31/12/2020.

Suốt quá trình thử nghiệm có sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Tổng thầu EPC Trung Quốc, Tư vấn Pháp, Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ GTVT và sự phối hợp của Hà Nội Metro - đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành, khai thác dự án.

Vì sao đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể vận hành trước Đại hội Đảng XIII? - Ảnh 3.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống theo 166 quy trình, từ ngày 12/12 - 31/12/2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành thương mại.


Kết thúc thời gian vận hành thử nghiệm, đã có 5.700 lượt tàu chạy hơn 70.000km đường sắt trên cao. Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành.

Trước đó, báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, cho biết dự án đã hoàn thành việc vận hành thử toàn tuyến.

Hiện đơn vị đang tích cực làm việc cùng Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tổng thầu, tư vấn đánh giá độc lập về an toàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận dự án) và các đơn vị liên quan để chuẩn bị công tác nghiệm thu, hoàn thiện thủ tục để bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội khai thác, sử dụng.

“Từ đầu năm đến tháng 6/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng thầu, tư vấn giám sát và tư vấn đánh giá an toàn hệ thống không thể đưa nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại của dự án. Đồng thời, do vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và thực hiện kết luận của Kiếm toán Nhà nước chưa được tháo gỡ dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài” ông Nguyễn Khánh Tùng thông tin.

Về phía TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, đơn vị này và các bên liên quan đã phối hợp tốt suốt quá trình vận hành chạy thử nghiệm dự án. Nhân sự vận hành tuyến đường sắt cũng tiến bộ từng ngày, vận hành tốt trong điều kiện bình thường và có thể xử lý, khắc phục được các sự cố, lỗi nhỏ.

Cũng theo ông Trường, hiện nay Metro Hà Nội vẫn đang duy trì chạy tàu và thực hiện diễn tập các tình huống để đảm bảo thành thục các quy trình vận hành.

"Các điều kiện cần thiết Hà Nội đã hoàn tất, chúng tôi đang chờ kết quả đánh giá chạy thử nghiệm và sẵn sàng tiếp nhận, quản lý, vận hành khi dự án được bàn giao dự án", ông Trường nói.

Theo văn bản chấp thuận mới nhất của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021./.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại