Vì sao du lịch khởi sắc nhưng BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng và lân cận vẫn đóng băng?

Dy Khoa |

Không có dự án mở bán mới, nhu cầu giảm thấp là tình trạng đầu tư của loại hình bất động sản này tại khu vực Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Các chỉ số kinh tế của TP Đà Nẵng trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 đều khả quan. Cụ thể, lũy kế vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến hết tháng 8 đạt 0,11 tỷ USD (cả nước là 16,8 tỷ USD).

Các con số thống kế trong lĩnh vực du lịch cũng lạc quan hơn rất nhiều. Trong đó, lượt khách du lịch đã đạt 2,361 nghìn lượt, gấp 39,2 lần so với 8 tháng đầu năm 2021. Doanh thu lưu trú 8 tháng đầu năm nay đạt 3,724 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu lưu trú chưa cao bằng 8 tháng đầu năm 2019. Khi đó, thành phố ghi nhận 4,619 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với tình hình khả quan của thị trường du lịch, nhóm bất động nghỉ dưỡng tại TP Đà Nẵng lại chưa có nhiều khởi sắc. Trong tháng 8, thị trường này không ghi nhận bất kỳ dự án biệt thự nghỉ dưỡng mới nào mở bán. Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp TP Đà Nẵng không có dự án mới mở bán.

Báo cáo mới nhất của DKRA nhận định nguồn cung mới khan hiếm, cùng với đó là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đối với bất động sản nghỉ dưỡng khiến thị trường tiếp tục trầm lắng. "Dự kiến trong những tháng cuối năm, nguồn cung có thể chững lại do những khó khăn chung của thị trường, sức cầu thị trường có thể được cải thiện nhưng khó có sự đột biến", báo cáo của đơn vị này cho biết.

Tương tự biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng cũng không khả quan mấy. Tháng 8, nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng cũng không có dự án mới mở bán tại địa bàn này. Báo cáo DKRA nhấn mạnh: "Thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 8 không ghi nhận thêm dự án mở bán mới".

Theo đó, nguồn cung mới liên tiếp giảm từ 2019 cho đến nay, nguồn cung chủ yếu tập trung tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Thừa Thiên - Huế vẫn chưa ghi nhận nguồn cung đối với loại hình nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng.

Phân khúc này vẫn còn khá mới đối với thị trường khu vực. Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và vùng phụ cận đã qua giai đoạn phát triển nóng, cùng với các chính sách kiểm soát tín dụng, tình trạng trầm lắng của thị trường ở những khu vực có sai phạm tại một số dự án nghỉ dưỡng trước đây cũng góp phần làm nguồn cung ở khu vực này khan hiếm và sức cầu thấp.

Bất động sản nghỉ dưỡng của khu vực chỉ còn trông chờ vào condotel. Trong tháng 8 có một dự án mở bán giai đoạn tiếp theo với 20 căn tạo nguồn cung (nguồn cung này chỉ chiếm 5% cả nước). Số lượng hấp thụ bằng tháng 7, 6 căn. Tháng 6 bán được 12 căn.

Đánh giá về condotel, DKRA cho rằng, nguồn cung không đáng kể và sụt giảm mạnh từ 2019 đến nay, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng. Riêng Thừa Thiên Huế và Quảng Nam tiếp tục không ghi nhận nguồn cung dự án mới.

Sức cầu thị trường duy trì ở mức thấp, lượng giao dịch hạn chế và có dấu hiệu chững lại. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục tăng trước áp lực chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất tăng cao. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng khoảng 2% so với tháng trước.

Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn kèm theo nhiều chính sách bán hàng linh hoạt nhằm hỗ trợ khách hàng. Trong những tháng cuối năm, dự kiến nguồn cung và sức cầu thị trường duy trì xu hướng đi ngang, không có nhiều biến động so với tháng 8 và tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại