Vì sao đất nền quận 9 giao dịch sôi động rồi nguội lạnh bất thường?

Bảo Anh |

Sau khoảng thời gian giảm giá 20-30%, đất nền khu vực quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) tiếp tục giảm sâu ở các nền ngộp tài chính.

Ghi nhận cho thấy, từ mức giảm 20-30%, hiện nhiều nền đất tại khu vực quận 9 đã giảm 40%, thậm chí 50% để ra hàng. Các nhà đầu tư ôm đất và vay ngân hàng từ thời điểm 2021 đến nay gần như “đuối” vì đất đai.

Gần một tháng rao bán nền đất 50m2 với giá 2,3 tỉ đồng/nền, mức này đã giảm 500 triệu đồng so với giá đầu năm 2022 nhưng một nhà đầu tư tại quận 9 vẫn không bán được. Gần đây, nhà đầu tư này quyết định giảm thêm 200 triệu đồng để có người chốt. Tuy vậy, đến hiện tại vẫn chưa ai hỏi mua.

Được biết, mảnh đất có vị trí khá đẹp, nằm trên trục đường chính của khu dân cư đã đông đúc cư dân vào ở. Được mua vào thời điểm cuối năm 2021 với giá 2,65 tỉ đồng, đến nay do khó gồng lãi ngân hàng trong dài hạn, nhà đầu tư quyết định “bán lỗ” mong thu lại dòng tiền.

Tình trạng như nhà đầu tư này không hiếm tại khu vực quận 9. Số lượng nền đất rao bán giảm giá tăng mạnh nhưng lượng “xuống tiền” còn khá khiêm tốn. Nhiều nhà đầu tư loay hoay với tài chính, quyết định giảm giá sâu để mong bán được. Thậm chí, có trường hợp giảm sốc 50% so với giá mua vào.

Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư đang cố gồng, chờ thị trường. Sau khi giảm giá 200-300 triệu đồng/nền nhưng không bán được, nhà đầu tư quyết định giữ hàng chờ thêm. Họ xoay sở vay bên ngoài lo công việc thay vì bán tháo sản phẩm. Cũng có trường hợp nhà đầu tư vì bán mãi không ai mua, nên phải giữ lại tài sản và chấp nhận vay nóng bên ngoài để lo các khoản lãi vay, trả nợ…

Vì sao đất nền quận 9 giao dịch sôi động rồi nguội lạnh bất thường? - Ảnh 1.

Theo tìm hiểu, tại thị trường đất nền quận 9 đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư “tay to” các khu vực đổ về săn hàng ngộp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có tâm lý chờ giảm giá thêm mới “xuống tiền”. Điều này khiến giao dịch đất nền tại quận 9 khá bấp bênh. Có lúc giao dịch nhộn nhịp ở sản phẩm ngộp, có thời điểm lại im ắng.

Theo một môi giới khu vực, nhà đầu tư có tài chính tốt đã quan tâm đến sản phẩm ngộp. Họ đã đi xem đất, thương lượng trả giá. Tuy nhiên, nhiều người dù ưng sản phẩm nhưng vẫn cố “ép giá”. Điều này khiến giao dịch khó diễn ra giữa người bán và người mua.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng lượng giao dịch phân khúc đất nền giảm mạnh trong quý 1/2023, chỉ đạt 45% so với quý 4/2022 và 43% so với quý 1/2022. Đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá cao trước đó và niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác.

Đối với đất nền dự án tại Tp.HCM, giá bán trong quý giảm từ 7,2% - 8,1%. Cụ thể, dự án Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức giảm khoảng 7,2% (xuống mức 124,6 triệu đồng/m2), dự án khu dân cư Kiến Á, TP.Thủ Đức giảm khoảng 7,2% (xuống mức 69 triệu đồng/m2), dự án Khu dân cư Phú Nhuận - Phước Long B, TP.Thủ Đức giảm khoảng 7,8% (xuống mức 69,7 triệu đồng/m2), dự án Gia Long Riverside Nhà Bè, huyện Nhà Bè giảm khoảng 6,8% (xuống mức 57,1 triệu đồng/m2), dự án Bình Mỹ Garden, huyện Củ Chi giảm khoảng 8,1% (xuống mức 22,6 triệu đồng/m2).

Nhiều dự báo, giá đất nền thứ cấp có thể sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Nhà đầu tư chịu áp lực tài chính tăng lên khi lãi suất ngân hàng chưa thực sự giảm, thị trường chưa có giao dịch rõ nét. Dòng tiền mặt của nhà đầu tư đang cạn dần, trong khi tài sản rao bán khó thanh khoản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại