Vì sao danh hài Zelensky giành ưu thế trong cuộc bầu cử Ukraine?

Hồng Anh |

Ưu thế của ứng viên tổng thống Zelensky không chỉ đến từ sự nổi tiếng của ông mà còn từ sự thất vọng của người dân với giới tinh hoa cầm quyền.

Zelensky nổi lên là nhân vật đặc biệt

Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vòng 1 cho thấy, diễn viên hài Volodymyr Zelensky - lãnh đạo Đảng “Người phục vụ nhân dân”, đã vượt qua 38 đối thủ và dẫn đầu với số phiếu bầu trên 30%. Đứng thứ hai là đương kim Tổng thống Poroshenko với gần 16% số phiếu và tiếp đến là cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko với hơn 13% số phiếu ủng hộ. Các ứng cử viên sẽ phải tham gia cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 21/4 bởi theo luật pháp Ukraine, người thắng cử sẽ phải có số phiếu trên 50%.

Volodymyr Zelensky , 41 tuổi, là gương mặt mới đầy tài năng trong giới showbiz. Ông nổi tiếng với vở diễn “Người đầy tớ của nhân dân” đang công chiếu trên truyền hình. Trong vở kịch này, ông đóng vai một giáo viên nghèo nhưng trung thực và sau đó trở thành tổng thống một cách tình cờ. Diễn viên hài này chia sẻ ông cũng có nhiều tính cách giống nhân vật mà ông hóa thân.

Không chỉ “khuấy đảo” trên màn ảnh, Zelensky cũng bất ngờ “gây bão” đối với nền chính trị Ukraine khi đứng ra tranh cử Tổng thống. Ông được sự trợ giúp mạnh mẽ về tài chính và truyền thông bởi tỷ phú, nhà tài phiệt Kolomoisky – người sở hữu kênh truyền hình phổ biến bậc nhất tại Ukraine. Kênh truyền hình này dành nhiều thời lượng phát sóng các chương trình của Zelensky với tư cách một ứng cử viên Tổng thống cũng như một diễn viên hài. Nhờ vậy, Zelensky có cơ hội tỏa sáng ngay trước thềm cuộc bầu cử, khi mà các hoạt động vận động tranh cử bị cấm theo luật lệ Ukraine.

Ứng viên Tổng thống Zelensky và ông Kolomoisky đều phủ nhận có mối quan hệ với nhau về mặt chính trị, bất chấp việc luật sư và cận vệ của nhà tài phiệt này là thành viên trong đội ngũ tranh cử của ông Zelensky, tháp tùng ông trong mọi hoạt động bầu cử. Những người thăm dò dư luận cho rằng, ưu thế của Zelensky không chỉ đến từ sự nổi tiếng của bản thân ông mà còn từ sự thất vọng sâu sắc của người dân đối với giới tinh hoa cầm quyền. Các cử tri sẵn sàng lựa chọn một gương mặt mới ngay cả khi họ biết đó là nhân vật không có nhiều kinh nghiệm trên chính trường.

Quan điểm về chính sách đối ngoại của ông Zelensky

Ông Dmytro Razumkov, trợ lý chính trị của ứng viên Tổng thống Zelensky, nói với tờ Al Jazeera rằng nếu giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Zelensky sẽ tiếp tục giữ vững Hiệp định Minsk. Hiệp định Minsk, được ký kết vào năm 2015, là kết quả đàm phán giữa các nhà lãnh đạo của Nga, Đức, Pháp và Ukraine (hay còn gọi là Nhóm bộ tứ Normandy). Hiệp định này nhằm đảo bảo ngừng bắn toàn diện giữa phe đối lập và quân đội chính phủ Ukraine tại khu vực miền đông nước này.

Phát biểu với báo chí tại trụ sở chính của chiến dịch tranh cử của ông Zelensky tại Kiev ngày 31/3, ông Razumkov nói: “Tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga đều liên quan đến Hiệp định Minsk. Nếu chúng ta cố gắng hủy bỏ nó, chúng ta có thể mất các biện pháp trừng phạt này. Đề xuất của ông Zelensky là bổ sung Anh và Mỹ vào nhóm Normandy với tư cách là những bên ký kết Bản ghi nhớ Budapest để gây sức ép chung đối với Nga”.

Ông Razumkov cho biết nếu danh hài Zelensky thắng cử, Ukraine sẽ tiếp tục nỗ lực tham gia Liên minh châu Âu và NATO, song sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân về các vấn đề này. “Chúng tôi không nói suông. Dù Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng triển vọng là rất xa vời. Điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ ngừng theo đuổi tham vọng gia nhập EU. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường này và một ngày nào đó sẽ đạt được mục tiêu. Với NATO cũng vậy. Chúng tôi cần hiện đại hóa quân đội. Nhưng hiện tại Ukraine chưa có điều kiện thích hợp để thực hiện công việc đó”.

Người dân Ukraine muốn thay đổi

Kết quả khảo sát của Gallup cho thấy, Ukraine đang ở vị trí thấp kỷ lục về niềm tin của người dân đối với chính phủ trong năm thứ 2 liên tiếp. Chỉ 9% cử tri bày tỏ tin tưởng vào cách điều hành của chính phủ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước thuộc Liên Xô cũ (48%) và mức trung bình của toàn thế giới (58%).

Nhà phân tích Katya Gorchinskaya cho rằng, đây có lẽ là cái giá mà giới tinh hoa chính trị đang phải trả vì không thực hiện đúng các cam kết đưa ra vào năm 2013, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện chính sách pháp quyền, tăng cường tính minh bạch và nâng cao tiêu chuẩn sống. Đến nay, sau gần 6 năm, tình trạng thất nghiệp đã khiến 3,2 triệu người dân Ukraine phải tìm kiếm công ăn việc làm lâu dài tại các quốc gia khác. Tỷ lệ đói nghèo và bất bình đẳng xã hội vẫn ở mức cao.

Báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho thấy khoảng 60% người dân Ukraine phải sống dưới mức nghèo khổ vào năm 2016 và quốc gia này vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Âu. Nhiều chủ doanh nghiệp tại Ukraine đã bày tỏ sự thất vọng vì không thể cạnh tranh được trên thị trường. Trong khi đó, giới tài phiệt tại Ukraine ngày càng trở nên giàu có hơn. Theo đánh giá của giới truyền thông, trong năm 2018, tổng giá trị tài sản của 100 người giàu nhất đất nước đã tăng 43% và đạt mức 37 tỷ USD chỉ trong vòng một năm.

Thất vọng với những lời hứa không thành hiện thực

Ông Poroshenko nắm giữ cương vị Tổng thống vào năm 2014 với cam kết mang đến sự thay đổi cho Ukraine, trong đó có việc sớm kết thúc chiến tranh, theo dõi sát sao giới tài phiệt và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng 4 năm sau, ông đã phải xin lỗi người dân vì đưa ra quyết định vội vàng và thiếu cân nhắc về kết thúc chiến tranh. Bên cạnh đó, các nỗ lực chống tham nhũng của ông cũng chưa thành công.

Cách đây chưa đầy 1 tháng, một loạt các cuộc điều tra của báo chí đã tiết lộ rằng Phó Thư ký thứ nhất của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleh Hladkovsky, người bạn và cựu đối tác của Tổng thống Poroshenko, đã bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến các hợp đồng mua sắm trang thiết bị quốc phòng. Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine đã cam kết đưa những đối tượng tham nhũng ra ánh sáng.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với các CEO để đánh giá về môi trường đầu tư tại Ukraine. Kết quả cho thấy, 78% số người được hỏi bày tỏ sự thất vọng đối với cách xử lý tình trạng tham nhũng tại quốc gia này, 74% thiếu tin tưởng vào hệ thống hành pháp và 65% phàn nàn về các hoạt động của nền kinh tế ngầm. Giới tài phiệt Ukraine vẫn kiểm soát nhiều lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế như năng lượng, nông nghiệp, truyền thông, chi phối nhiều công ty quốc doanh và tiếp cận với các nguồn lực tự nhiên.

Sức ép từ bên ngoài

Trên thực tế, Ukraine đã có một số thay đổi kể từ năm 2013. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 3,3% vào năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2011. Lĩnh vực ngân hàng đã được thanh lọc và hoạt động minh bạch hơn với hơn 100 ngân hàng vi phạm bị đóng cửa, trong khi ngân hàng quốc gia được cải cách hoàn toàn.

Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Naftogaz đã có sự chuyển biến đầy ngoạn mục, từ việc làm ăn thua lỗ khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2013 đã đạt được mức lợi nhuận kỷ lục 1,5 tỷ USD vào năm 2017. Ukraine cũng triển khai hệ thống mua sắm điện tử ProZorro, nhằm đảm bảo việc chi tiêu công được thực hiện hiệu quả và minh bạch, giúp tiết kiệm ít nhất 2.76 tỷ USD cho ngân sách quốc gia trong vòng chưa đầy 5 năm.

Nhiều cải cách quan trọng cũng được thực hiện trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Song có lẽ đáng chú ý nhất là người dân Ukraine đã được miễn thị thực đi lại tại các nước láng giềng thuộc Liên minh Châu Âu. Tuy vậy, hầu hết những cải cách nêu trên đều được thực hiện dưới sức ép của các nhà tài trợ và đối tác quốc tế như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Canada và nhiều quốc gia khác.

Trong vở kịch “Người đầy tớ của nhân dân”, nhân vật Tổng thống do ông Zelensky hóa thân nói với quốc hội rằng: “Xã hội đã thay đổi. Nó không còn chờ đợi hay tha thứ cho bất cứ ai”. Vở kịch kết thúc bằng cảnh nhân vật này dùng súng tự động bắn vào tất cả các thành viên trong quốc hội.

Những gì diễn ra trên màn ảnh cũng phản ánh một phần thực tế cuộc sống. Nó cho thấy Ukraine cần phải có một sự thay đổi và đã đến lúc người dân có quyền quyết định tương lai của họ bằng lá phiếu bầu để chọn ra nhà lãnh đạo tốt nhất, thay vì những nhân vật đã khiến họ thất vọng bấy lâu nay. Giới quan sát cho rằng, sự nổi bật của ông Zelensky dường như phản ánh mong muốn của người dân Ukraine về một luồng gió mới trong hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế và kỳ vọng tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại khu vực miền đông nước này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại