Vì sao đang thiếu điện nhưng hàng tỷ kWh điện gió, điện mặt trời bị bỏ đi?

An Hòa |

Tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, mặt trời là một trong những chìa khóa chuyển đổi năng lượng Việt Nam tiến tới trung hòa cac-bon nhưng do mạng lưới truyền tải không đáp ứng, mỗi năm có hàng tỷ kWh điện bị cắt bỏ đi, đây là một lãng phí rất lớn cho xã hội.

Nhiều nhà máy điện gió "tắc đầu ra"

Tiềm năng điện gió của Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá rất cao, theo các khảo sát, đánh giá sơ bộ, tiềm năng điện gió trên bờ của Việt Nam khoảng 217 GW, điện gió ngoài khơi trên 160 GW. Đặc điểm của điện gió ngoài khơi là có số giờ vận hành thiết bị nhiều, hiệu quả cao.

Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Thanh cho biết, đến nay, tỉnh đã quy hoạch phát triển 20 dự án điện gió, đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng công suất 1.345MW, 2 dự án còn lại đang được xem xét để cấp chủ trương đầu tư.

Trong số 18 dự án có nhà đầu tư đã có 11 dự án đã khởi công xây dựng trong năm 2020 với tổng công suất là 496,4MW. Tính đến ngày 31/10/2021 (thời điểm hết hạn giá FIT - giá hỗ trợ) có 4 dự án đưa vào vận hành thương mại là nhà máy điện gió số 7, nhà máy điện gió Quốc Vinh (số 6), nhà máy điện gió Lạc Hòa giai đoạn 1 (số 5) và nhà máy điện gió Hòa Đông 2 với tổng công suất của 4 nhà máy là 110,8MW (trong đó 2 dự án vận hành 100% công suất).

Đáng quan tâm là đến thờ điểm này đã có thêm nhiều dự án xây dựng hoàn chỉnh nhưng không thể hòa lưới vì cơ chế giá FIT đã hết hạn.

"Khu vực ven biển và ngoài khơi thuộc tỉnh Sóc Trăng còn nhiều vị trí có thể phát triển điện gió, địa phương cũng đã có bước khảo sát ban đầu để quy hoạch bổ sung dự án điện gió, tuy nhiên, theo Bộ Công Thương thì phải chờ quy hoạch điện VIII được phê duyệt mới có cơ sở để đề xuất bổ sung dự án mới", ông Thanh cho biết.

Tương tự như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cũng cho biết, Cà Mau có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với công suất 1.000MW.

Trong đó có 12 dự án đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 700MW, 5 chủ đầu tư đã triển khai thực hiện dự án nhưng đến hết thời gian hưởng giá FIT (31/10/2021), chỉ có 3 dự án kịp đấu nối vận hành thương mại với tổng công suất chỉ 100MW.

"Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển điện gió, tỉnh Cà Mau đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 24 dự án điện gió với công suất 12.018MW, tuy nhiên, theo Bộ Công Thương thì phải chờ quy hoạch điện VIII được phê duyệt thì Bộ mới có cơ sở để trình Thủ tướng xem xét các đề xuất bổ sung quy hoạch điện lực của các địa phương", ông Việt cho hay.

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/10/2021, tức thời hạn cuối cùng để được xét công nhận dự án vận hành thương mại và được hưởng giá hỗ trợ (FIT) theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 84/146 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, với tổng công suất gần 4.000MW được công nhận vận hành thương mại COD.

Như vậy, còn 62 dự án với tổng công suất 4.170MW mặc dù đã ký hợp đồng PPA với EVN nhưng do chậm tiến độ nên không kịp đưa vào vận hành thương mại. Tính đến thời điểm này đã có nhiều nhà máy điện gió trong số 62 dự án "lỡ nhịp" đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị, nhưng không thể vận hành thương mại do hết cơ chế hưởng giá FIT.

 Vì sao đang thiếu điện nhưng hàng tỷ kWh điện gió, điện mặt trời bị bỏ đi?  - Ảnh 1.

Tiềm năng điện gió của Việt Nam khoảng 377 GW. Ảnh TN

Hàng tỷ kWh điện mặt trời bị cắt giảm

Theo đánh giá của các tổ chức năng lượng quốc tế, tiềm năng kinh tế - kỹ thuật về điện mặt trời (ĐMT) của Việt Nam được ước tính khoảng 434 GW, bao gồm ĐMT mặt đất (309 GW), trên mặt nước (77 GW) và ĐMT trên mái nhà (48 GW).

Nhờ cơ chế khuyến khích của Chính phủ, chỉ từ năm 2019 đến nay đã có trên 16.400 MW nguồn ĐMT được đưa vào vận hành, trong đó có 7.755 MW nguồn ĐMT mái nhà. Các nguồn ĐMT tập trung hầu hết ở miền Nam và miền Trung.

Vấn đề đáng quan tâm là do việc phát triển nguồn năng lượng này "quá nóng" nên hạ tầng truyền tải không theo kịp, bắt buộc ngành điện phải tạm ngưng cho đấu nối dự án mới và cắt giảm công suất của cả những dự án đang vận hành thương mại.

Theo EVN, chỉ tính riêng năm 2021, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên đến 1,68 tỷ kWh (trong đó, tiết giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7 - 9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này).

Sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo đang tăng lên khi ngày càng có nhiều dự án hoàn thành, đây là một lãng phí rất lớn trong khi các nguồn năng lượng nhiệt điện khác đang thiếu hụt, giá cả ngày càng đắt đỏ.

Việt Nam có cam kết với quốc tế về giảm dần các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết này, dự thảo quy hoạch điện VIII đề xuất không tăng nhiệt điện than nhưng tăng nhiệt điện khí để làm nguồn "chạy nền", kết hợp với nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện gió, mặt trời, sinh khối. Trong dài hạn, khi các nhiên liệu sạch sẽ giảm dần giá thành, nhiên liệu cho các nguồn nhiệt điện sẽ được chuyển đổi từ than, khí sang amoniac, hydrogen.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá nguyên liệu đầu vào cho nhiệt điện than, khí tăng mạnh trên 30% so với năm 2021 chính là một thách thức cho an ninh năng lượng toàn cầu.

Đối với Việt Nam trong khi nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than được quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa hoàn thành, các nguồn thủy điện sắp bão hòa; quy hoạch điện khí LNG rất lớn với trên 23.000 MW nhưng chưa có nhà máy nào được khởi công; điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác đang gián đoạn chính sách phát triển, đây là thách thức không nhỏ đối với an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại