Chân dung cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương vừa bị bắt
Ngày 26/4, tin từ Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Tiến Phương, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, ngày 1/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển, thuộc TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Ông Lê Tiến Phương sinh năm 1957, là cử nhân Kinh tế. Ông đã được HĐND tỉnh Bình Thuận khóa VIII bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 vào ngày 2/12/2010.
Đến ngày 11/12/2015, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX đã miễn nhiệm ông Phương khỏi chức Chủ tịch UBND tỉnh vì ông xin từ chức để về hưu sớm.
Cuối tháng 7/2022, ông Phương bị xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận của hai nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2016 do có vi phạm và khuyết điểm nghiêm trọng trong khi đảm nhiệm công việc. Trước đó, ông cũng đã bị Ban Bí thư kỷ luật bằng việc cách chức mọi vị trí trong Đảng.
Sai phạm của ông Lê Tiến Phương như thế nào?
Ông Lê Tiến Phương và các đồng phạm bị cáo buộc liên quan đến sai phạm tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Hiện trạng khu đất làm khu đô thị này trước đây là sân golf diện tích hơn 62 ha, do một tỉ phú người Mỹ xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1997, báo Người lao động cho hay.
Đến giữa tháng 11/2013, sân golf này được sang nhượng cho Tập đoàn Rạng Đông, sau đó từng bước chuyển đổi công năng sang đất ở đô thị để "đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ".
Tháng 3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thông qua đề nghị chuyển đổi trên với diện tích hơn 62ha nằm ở vị trí đắc địa tại thành phố Phan Thiết. Ước tính diện tích phải thu tiền sử dụng đất hơn 36ha, chiếm hơn 58%; diện tích không thu tiền sử dụng đất khoảng 25ha, chiếm hơn 41%.
Ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tổng tiền sử dụng đất phải nộp 936,8 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường khu vực này thấp nhất khoảng 10 triệu đồng/m2, cao nhất 24 triệu đồng/m2, VnExpress đưa tin.
Tiền sử dụng đất chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/ m2 nhưng chủ đầu tư lại phân lô bán nền với giá từ 20 đến 30 triệu đồng/m2. Sau này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo kết quả giám định tài sản phần diện tích 36ha đất ở đô thị tại dự án là hơn 2.800 tỉ đồng, trong khi ngân sách nhà nước chỉ thu về hơn 900 tỉ đồng phần diện tích này.
Tháng 8/2021, vụ sân golf Phan Thiết thành khu đô thị tại Bình Thuận được Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Đây cũng là một trong 9 dự án "đất vàng" tại Bình Thuận mà Bộ Công an đang tiến hành xác minh, điều tra theo đơn tố giác tội phạm của công dân địa phương.
Báo Thanh Niên cho biết, theo đơn tố cáo của công dân cho rằng thời điểm đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã gây thất thu cho ngân sách tỉnh nhiều tỉ đồng khi phê duyệt tổng tiền sử dụng đất phải nộp 936,8 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,5 triệu đồng/m2.
Đó là chưa kể, khi triển khai dự án, theo luật về nhà ở khu đô thị du lịch biển phải có 20% diện tích đất dành cho nhà ở xã hội. Nhưng sau đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện chủ đầu tư đã hoán đổi một khu đất khác có diện tích tương đương để lấy diện tích đất nhà ở xã hội chia lô bán nền.
Tổng hợp