Ethan Frehner và các cộng sự tại Đại học Utah đã đặt 7 xác bê trong một vùng hoang dã thuộc bang Utah (Mỹ) và thiết đặt các máy quay đặc biệt xung quanh để xem loài vật nào sẽ tìm đến. Họ hy vọng tìm hiểu thêm về loài kền kền hay các loài chim ăn xác chết khác.
Một tuần sau đó, nhóm nghiên cứu trở lại và phát hiện một cái xác đã biến mất. Họ nghĩ rằng nó có thể bị sói hoặc sư tử núi tha đi. Nhưng, những hình ảnh quay được cho thấy sự thật khác hẳn.
Một con lửng Mỹ đã tự mình chôn toàn bộ cái xác trong suốt năm ngày. Con bê nặng khoảng 23 kg, trong khi con lửng chỉ nặng khoảng 6 – 9 kg.
Loài lửng thường chôn những con mồi nhỏ như chuột hay thỏ, nhưng chưa từng có tiền lệ về loài khác lớn hơn hẳn bản thân nó. Ethan Frehner cho rằng con lửng này đã có được nguồn thức ăn đủ cho hơn 50 ngày.
Ông cũng chia sẻ: "Chúng tôi biết rất nhiều về loài lửng ở mặt hình thái và di truyền học. Tuy nhiên, về hành vi của loài này thì vẫn còn nhiều khoảng trống cần khỏa lấp."
Lửng Mỹ thường hoạt động về đêm và dành nhiều thời gian để đào hầm trong đất, do đó các quan sát trực tiếp về hành vi của chúng vô cùng hiếm .
Đây không phải lần đầu tiên hoạt động đào lấp của loài lửng đưa đến kết quả bất ngờ. Năm 2013, các nhà khảo cổ Đức tìm thấy một mộ chôn tập thể từ thế kỷ 12, sau khi một con lửng "khai quật" được một vài mẫu vật trong lúc đào một cái hố.
Con lửng nhỏ dành 5 ngày để chôn cả con bê.