Không chỉ cáo buộc tin tặc Nga tấn công bầu cử Mỹ, mà theo báo cáo mới nhất của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), cơ quan này còn cho rằng Nga đứng đằng sau âm mưu trợ giúp ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Lời cáo buộc này đã gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa cơ quan tình báo quốc gia và Tổng thống đắc cử Donald Trump. Phản ứng trước lời kết luận của CIA, ông Trump mỉa mai: “Thật là nực cười. Đây chỉ là thuyết âm mưu”.
Không chỉ với cáo buộc của CIA, ông Trump cùng ban quản lý chiến dịch tranh cử của mình còn hoàn toàn phủ nhận tuyên bố chung của 17 cơ quan tình báo quốc gia cho rằng Nga cố tình can thiệp vào bầu cử Mỹ.
CIA dẫn lời phân tích từ nhiều chuyên gia cho rằng sự can thiệp của Nga khiến hình ảnh và mức độ tín nhiệm của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Cliton giảm sút, và điều đó góp phần khiến ông Trump giành được chiến thắng dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, CIA còn nhấn mạnh tin tặc Nga cũng đã thu thập thông tin của đảng Cộng hòa. Nhưng khác biệt ở chỗ họ không làm rò rỉ các thông tin đó như đối với loạt thư điện tử của đảng Dân chủ.
CIA cũng lần theo dấu vết hoạt động trên mạng xã hội của một chiến dịch chống ứng cử viên đảng Dân chủ và khẳng định một số tờ báo truyền thông Nga đứng đằng sau hành vi lan truyền các câu chuyện về bà Clinton.
Tuy nhiên trên thực tế nhiều nghi vấn vẫn chưa được giải đáp và bản đánh giá của CIA không tương ứng với bản đánh giá chính thức của Mỹ từ toàn bộ 17 cơ quan tình báo. Cụ thể các đặc vụ tình báo chưa có bằng chứng về việc giới chức Nga chỉ đạo các cá nhân được xác định trong việc cung cấp cho WikiLeaks các thư điện tử của Đảng Dân chủ.
Giới chức tình báo nhận định kết luận của CIA về cái gọi là "âm mưu của Nga giúp ông Trump thắng cuộc" không dựa trên bất kỳ bằng chứng xác thực nào mà chỉ là kết quả của các phân tích dựa trên tình huống.
Về phần mình, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trước đó đánh giá mục tiêu chính của Nga là gây rối trong mùa bầu cử Mỹ cũng như làm suy giảm nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, theo lời một quan chức làm luật cấp cao thuộc FBI trả lời kênh truyền hình NBC News, chính Nga cũng không ngờ đến việc ông Trump chiến thắng.
Đề cập đến việc vì sao tin tặc Nga không công bố thông tin mật về đảng Cộng hòa, FBI tin rằng các đối tượng tấn công mạng do không tìm thấy gì “bùng nổ” trong kho thông tin của đảng Cộng hòa được nên mới không để lộ.
Hiện bên phía đảng Dân chủ, tình báo Mỹ và chính quyền Tổng thống Barack Obama đều lên tiếng cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Obama cũng cáo buộc tin tặc Nga đánh cắp và làm rò rỉ hàng chục nghìn thư điện tử của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ (DNC).
Trong tháng 10, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Jeh Johnson và Giám đốc Tình báo Quốc gia DNI Clapper ra một tuyên bố chung khẳng định “Cộng đồng tình báo Mỹ đủ tự tin để cho rằng chính phủ Nga chỉ đạo việc tấn công thư điện tử của các tổ chức chính trị ở Mỹ”.
Liên quan tới các cáo buộc nêu trên, ngày 12/12, Điện Kremlin đã bác bỏ một báo cáo mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trong đó cáo buộc Nga đã cố gắng tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng trước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh báo cáo trên không dựa trên các thông tin xác thực và đáng tin cậy. Ông nêu rõ: "Điều này giống như các cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ, không chuyên nghiệp, nghiệp dư, và không liên quan với thực tế".
Dẫu vậy, với những cáo buộc của CIA ngầm phản đối ông Trump, một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là liệu Giám đốc CIA mới do ông Trump chỉ định – tướng về hưu Mike Pompeo - có tạo ra bất kỳ khoảng cách nào với cơ quan mà ông sắp sửa lãnh đạo.