Vì sao chưa phá dỡ tiếp phần vi phạm nhà 8B Lê Trực?

Hà Thành |

Thủ tướng, Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội nhiều lần chỉ đạo các đơn vị liên quan lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 phần diện tích vi phạm tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội). Nhưng đến nay, phương án này vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành; phần dầm, cột bê tông sau phá dỡ giai đoạn 1, vẫn chưa được chuyển đi.

Tại cuộc họp do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì vào cuối tháng 1/2017 với sự tham gia của UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên, Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, Công ty CP May Lê Trực, đại diện công ty Tư vấn Đại học Xây dựng nêu nguyên nhân chậm hoàn thành phương án phá dỡ là do công ty CP May Lê Trực chưa cung cấp hồ sơ hoàn công và một số tài liệu khác.

Để xử lý dứt điểm công trình vi phạm, đại diện Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình đã yêu cầu chủ đầu tư hợp tác cung cấp hồ sơ hoàn công và các tài liệu liên quan cho công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng hoàn thiện phương án phá dỡ giai đoạn 2 theo đúng cam kết.

Trở lại diễn biến vụ việc, căn cứ báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tháng 11/2015, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 351, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Thông báo này khẳng định, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Văn phòng Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm phần diện tích vi phạm.

Vì sao chưa phá dỡ tiếp phần vi phạm nhà 8B Lê Trực? - Ảnh 1.

Dầm, cột bê tông sau khi phá dỡ giai đoạn 1 vẫn chưa được chuyển đi.

Ngày 9/1/2016, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ số 32, sau khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết tự phá dỡ như đề xuất trước đó.

Ngày 6/3/2016, UBND phường Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế số 32.

Trong quá trình thực hiện cưỡng chế, UBND phường Điện Biên và nhà thầu phá dỡ là Cty Phương Bắc đã không thực hiện đúng tiến độ do có nhiều người xưng danh là khách hàng mua nhà tập trung phản đối, chủ đầu tư dự án không hợp tác với cơ quan chức năng, không chuyển kinh phí phá dỡ theo quy định.

Để có kinh phí xử lý, tháng 8/2016, UBND quận Ba Đình tạm ứng 3 tỷ đồng cho việc phá dỡ giai đoạn 1.

Sau nhiều lần chậm tiến độ, ngày 25/10, công ty CP Tập đoàn Phương Bắc đã hoàn thành phá dỡ giai đoạn 1 nhà 8B Lê Trực.

Cùng thời gian này, UBND quận Ba Đình ký văn bản mời Cty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2. Tuy nhiên, cho đến nay đơn vị thiết kế và UBND phường Điện Biên chưa trình phương án phá dỡ như cam kết.

Vì sao chưa phá dỡ tiếp phần vi phạm nhà 8B Lê Trực? - Ảnh 2.

Đến nay các đơn vị liên quan vẫn chưa hoàn thành việc lập phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Trong khi công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng đang lập phương án phá dỡ giai đoạn 2, công ty CP Tập đoàn Phương Bắc, nhà thầu phá dỡ giai đoạn 1, có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội để đề xuất dừng phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực với lý do việc phá dỡ không đảm bảo an toàn.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công ty CP Tập đoàn Phương Bắc chỉ là đơn vị được UBND phường Điện Biên lựa chọn ký hợp đồng thi công phá dỡ.

Doanh nghiệp này không có chức năng và thẩm quyền đề xuất dừng phá dỡ diện tích vi phạm.

Để việc lập phương án phá dỡ diễn ra đúng tiến độ, ngày 1/12/2016, Sở Xây dựng Hà Nội ký văn bản đề nghị UBND quận Ba Đình đôn đốc UBND phường Điện Biên, Cty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ khảo sát hiện trạng công trình, lập phương án phá dỡ phần diện tích vi phạm còn lại của công trình 8B Lê Trực.

Tuy nhiên, cho đến nay, công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng vẫn chưa hoàn thành việc lập phương án theo đúng nội dung thống nhất trong buổi làm việc 3 bên.

Theo kết quả kiểm tra của liên ngành Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Ngoài ra, công trình chỉ được cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2.

Kết thúc giai đoạn một việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này, đã phá dỡ xong sàn tầng 19, toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột.

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho rằng, việc tháo dỡ công trình sai phạm trên là hoàn toàn có thể với trình độ khoa học và công nghệ hiện nay. Việc cắt bớt tầng kết cấu bằng bê tông cốt thép là rất đơn giản, không quá phức tạp. Vì kết cấu khung dầm bê tông cốt thép là chịu lực độc lập, không ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu. Lý do an toàn mà nhà thầu phá dỡ giai đoạn 1 đưa ra để đề xuất dừng phá dỡ giai đoạn 2, là không thuyết phục.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại