Trong các số báo trước, chúng tôi đã liên tiếp đề cập đến vụ việc nhóm cán bộ của Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm nuôi trồng thủy sản (Trung tâm KKN Thủy sản) thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) làm giả hồ sơ để hợp quy hơn 800 sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
Xung quanh vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ NN&NTNT chỉ dừng lại ở việc xử lý nội bộ là có ý định bao che.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, sự việc tại Trung tâm KKN Thủy sản sẽ không xảy ra nếu trung tâm này chỉ làm nhiệm vụ trọng tài. Tức là chỉ tái kiểm định, tái giám định chất lượng sản phẩm.
Còn hiện tại, trung tâm KKN được lập ra để làm dịch vụ nhưng lại đồng thời kiêm chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đây là nghịch lý rất dễ dẫn đến việc lợi dụng để trục lợi. Vụ việc vừa qua là một vết nhơ của ngành thủy sản, nhưng cũng là kết quả của sự độc quyền.
Theo ông Dũng, hiện nhiều Bộ, ngành và nhiều nước đã áp dụng hình thức, các phòng kiểm nghiệm, các trung tâm kiểm nghiệm là độc lập.
Đơn vị nào muốn có sản phẩm thì đưa đi kiểm nghiệm, sau đó sẽ nộp kết quả này cho cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở lĩnh vực này là Tổng cục Thủy sản.
Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm này, Tổng cục Thủy sản sẽ ban hành quyết định cho sản phẩm lưu hành.
Như vậy rất rõ ràng, minh bạch và có tính cạnh tranh cao.
“Hiện, Bộ Khoa học – Công nghệ cũng có 3 Trung tâm Khảo kiểm nghiệm nhưng đều được cổ phần hóa, hoạt động độc lập, chỉ làm đúng chức năng của mình là phân tích, kiểm nghiệm.
Còn Trung tâm KKN Thủy sản như hiện nay là độc quyền, cả nước chỉ có mỗi Trung tâm KKN Thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản được khảo kiểm nghiệm trong lĩnh vực thủy sản”, ông Nguyễn Hữu Dũng nhận định.
Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt – Tổng Thư ký Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, ông Nguyễn Trí Ngọc nhận định, những sai phạm tại Tổng cục Thủy sản bắt nguồn từ chính cơ chế quản lý đã lỗi thời của Bộ NN&PTNT.
Các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y… được quản lý theo danh mục. Muốn được đưa vào danh mục phải qua khâu kiểm nghiệm, đánh giá các tiêu chí.
Điều này tạo kẽ hở cho việc gian lận, doanh nghiệp đi “cửa sau” để đưa được sản phẩm của mình vào danh mục.
Với những thiệt hại lớn không thể đo đếm được, cho đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT vẫn chưa công bố danh sách 808 sản phẩm rởm, chưa phân tích xem các sản phẩm này được doanh nghiệp “chế biến” ra sao, sử dụng những hóa chất gì…
Tuy nhiên, người bị hại trực tiếp và chịu thiệt thòi nhất chính là ngư dân nuôi trồng thuỷ sản. Bởi lẽ, không ai biết các doanh nghiệp dùng những hoạt chất gì để sản xuất ra các sản phẩm rởm này, có chất cấm dùng trong nuôi trồng hay không.
Nếu có thì chắc chắn sẽ tồn dư lại trong tôm cá và khi người dân sử dụng sẽ tác động đến sức khỏe.
“Tác hại lớn nhất qua vụ việc này theo tôi là niềm tin của người dân vào việc quản lý của Bộ NN&PTNT giảm sút đi rất nhiều, qua các vụ việc vừa qua ở lĩnh vực kiểm nghiệm phân bón, mua bán chứng chỉ VietGap trong trồng trọt…”, ông Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, phải xử lý ở mức nặng hơn mức xử lý vi phạm hành chính, vì có dấu hiệu hình sự.
“Bộ NN&PTNT cũng cần làm rõ cho dư luận và người dân biết, vì sao chỉ cách chức, khai trừ Đảng là xong. Cần phải xử lý nghiêm vụ này để răn đe về sau và với các lĩnh vực khác”, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Tổng Thư ký Vasep gay gắt.