Vì sao chỉ 1 tháng, Việt Nam chi hơn 250 triệu USD nhập gần 1 triệu tấn hàng quen thuộc từ Brazil, Lào?

Minh Hằng |

Việt Nam có thể sản xuất hàng triệu tấn, nhưng lại chi hơn 250 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này từ các quốc gia khác ngay trong tháng đầu năm 2024.

Mặt hàng quen thuộc này chính là ngô. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng 1/2024, Việt Nam đã nhập gần 1 triệu tấn bắp (tăng 22% về khối lượng so với tháng 1/2023), tương đương trị giá hơn 250 triệu USD, với mức giá trung bình là 255 USD/tấn. Các thị trường đứng đầu cung cấp ngô cho Việt Nam hiện nay bao gồm Brazil, Lào, Argentina...

Trước đó, trong năm 2023, Việt Nam đã chi tới 2,87 tỷ USD để nhập khẩu ngô các loại, tăng 1,1% về lượng và giảm 14,1% về kim ngạch so với năm 2022.

Vì sao chỉ 1 tháng, Việt Nam chi hơn 250 triệu USD nhập gần 1 triệu tấn hàng quen thuộc từ Brazil, Lào?- Ảnh 1.

Ngô là mặt hàng được Việt Nam nhập khẩu nhiều ngay trong thàng 1/2024. Ảnh minh họa

Theo khảo sát gần đây của Statista, Việt Nam nằm trong Top 30 quốc gia trồng ngô lớn nhất thế giới, đồng thời có trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản...

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, diện tích trồng ngô ở Việt Nam hàng năm vào khoảng 1,1 triệu ha và sản lượng dao động trong khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm.

Rõ ràng, Việt Nam có thể sản xuất hàng triệu tấn ngô mỗi năm. Vậy, vì sao nước ta vẫn chi hàng tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này từ các nước trên thế giới.

Nguyên nhân Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô

Vì sao chỉ 1 tháng, Việt Nam chi hơn 250 triệu USD nhập gần 1 triệu tấn hàng quen thuộc từ Brazil, Lào?- Ảnh 3.

Việt Nam dùng ngô nhập khẩu để làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, tôm, cá. Ảnh minh họa

Theo đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngô được coi là mặt hàng quan trọng đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là loại ngũ cốc chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm, tùy theo giai đoạn phát triển.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, vị này cho biết, sở dĩ hàng năm nước ta vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô, bởi vì nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới đáp ứng được khoảng 37% lượng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp, hiện nay, Việt Nam không chỉ cần ngô để sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm mà ngay còn cần ngô biến đổi gene để làm thức ăn cho tôm, cá.

Mặt khác, trong những năm qua, thực tế diện tích trồng ngô ở nước ta liên tục bị sụt giảm. Nguyên nhân là do ngô ở trong nước khó cạnh tranh với ngô nhập khẩu, vì có giá thành sản xuất cao.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với xu hướng trong ngành sản xuất thịt, nhu cầu về nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc để làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao với mức gấp 3 lần trong nhiều năm tới.

Vì sao chỉ 1 tháng, Việt Nam chi hơn 250 triệu USD nhập gần 1 triệu tấn hàng quen thuộc từ Brazil, Lào?- Ảnh 5.

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải phát triển và tận dụng được ngô trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa

Tại hội thảo "Tìm giải pháp bổ sung nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam" diễn ra hồi tháng 8/2021, các chuyên gia đều đồng tình rằng, để giảm áp lực phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời giảm giá thành, thì cần phải phát triển và tận dụng nguồn nguyên liệu ở trong nước, đặc biệt là ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Để có thể chủ động phần nào đó về nguồn ngô, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp về sản xuất thức ăn chăn nuôi tiến hành liên kết với những người sản xuất, các hợp tác xã, nhằm hình thành các chuỗi để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần khuyến khích, ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghề về sản xuất, sấy cũng như bảo quản ngô.

Ngô là một loại cây lương thực quan trọng. Ngoài việc lấy hạt, người trồng ngô còn tận dụng các phần khác của cây. Chẳng hạn, lá ngô dùng làm thức ăn cho gia súc, thân ngô già và khô dùng làm củi đun, phân bón... Khi trồng ngô, con người có thể tận dụng 100% sản phẩm của nó từ thân, lá, lõi và hạt. Đặc biệt, trong cùng trọng lượng 100 gram, ngô cung cấp nhiều năng lượng hơn so với gạo nếp cái và gạo tẻ.

Bài viết tham khảo nguồn: Customs, Mard, USDA, Statista

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại