Mặc dù thời hiện đại xuất nhiều nhiều loại phương tiện giao thông vận tải mới, tàu hỏa vẫn có chỗ đứng quan trọng vì những ưu điểm nổi bật như chở được lượng lớn hàng hóa và hành khách, tiết kiệm chi phí, an toàn và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, ở khía cạnh môi trường, nhiều người thắc mắc vì sao hệ thống nhà vệ sinh tàu hỏa được nối xuống đường ray, không có thiết kế thùng chứa và chất thải được xả thẳng ra ngoài.
Vì sao nhà vệ sinh trên tàu hỏa được nối thẳng với đường ray?
Thực ra hiện nay những tàu hỏa có nhà vệ sinh xả thải trực tiếp ra đường ray chỉ chiếm một phần trong hệ thống phương tiện của đường sắt thế giới. Với thiết kế này, khi hành khách sử dụng nhà vệ sinh trên tàu hoả, chất thải sẽ được xả qua đường ống xuống đường ray. Điều này giúp đơn giản hoá quá trình xử lý chất thải trong quá trình tàu chạy, tránh mùi hôi hoặc nước đọng trong nhà vệ sinh tàu.
Tại sao việc tàu hỏa xả chất thải ra ngoài suốt thời gian dài vẫn luôn được chấp nhận? Các nhà thiết kế nêu một số yếu tố khiến họ tin rằng kiểu nhà vệ sinh này không tác động nghiêm trọng đến môi trường:
- Phần lớn chiều dài đường sắt nằm ở xa khu dân cư. Dưới tác động của các yếu tố tự nhiên như mưa, gió, nắng..., chất thải sẽ được pha loãng, phân hủy.
- Hành lang an toàn đường sắt khá rộng để không ảnh hưởng tới dân cư, nếu người dân không vi phạm hành lang này thì sẽ không tiếp cận với khu vực này cũng như chất thải có thể xả xuống.
- Nhà vệ sinh tàu hỏa chỉ được mở cửa khi tàu đạt tốc độ nhất định và ở tốc độ đó, các nhà thiết kế tin rằng chất thải này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến môi trường.
Mặc dù những lập luận trên, thực tế việc chất thải toilet trên tàu hỏa được xả thẳng xuống đường ray không còn phù hợp với tình hình hiện tại, khi diện tích những khu vực "hoang dã", hoàn toàn cách xa khu dân cư và sinh hoạt của người dân ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, chất thải của ngành đường sắt ít nhiều vẫn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và cuộc sống người dân. Do đó trên thế giới và cả Việt Nam, kiểu nhà vệ sinh tàu hỏa nối với đường ray được thay thế dần bằng những thiết kế hiện đại, hợp vệ sinh hơn.
Các tàu hỏa hiện đại thường có thùng chứa chất thải trên tàu, được niêm phong để tránh rò rỉ. Khi tàu đến một ga được chỉ định, chất thải được bơm ra hệ thống xử lý. Tàu cao tốc thường có nhà vệ sinh chân không sử dụng ít nước hơn và hiệu quả hơn; chất thải được lưu trữ trong các thùng chứa và đổ tại các cơ sở bảo dưỡng.
Tại sao bánh tàu hỏa được làm bằng kim loại thay vì cao su?
Xe lửa thường xuyên di chuyển trênquãng đường dài với tốc độ cao trong khi khối lượng chuyên chở rất lớn; vì vậy ma sát bánh xe phải rất nhỏ; tàu di chuyển trên đường ray phải hoàn toàn đồng đều và trơn tru, không có va chạm hay trục trặc do thủng lốp.
Để duy trì tốc độ cao với rất ít ma sát, bánh xe của tàu hỏa phải được làm bằng kim loại nhẵn, tương đồng với đường ray. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, ma sát giảm 85 - 99% khi bánh xe thép được sử dụng trên đường ray thép. Xe lửa không cần dừng đột ngột nên không cần loại bánh xe tạo ra ma sát như bánh cao su, ưu tiên số một là duy trì tốc độ.
Bánh xe cao su đòi hỏi năng lượng rất lớn để di chuyển. Hầu hết năng lượng và lực được tạo ra từ động cơ ô tô sẽ làm cho các bánh xe cao su quay. Nếu bánh xe của đoàn tàu được làm bằng cao su, động cơ sẽ cần một năng lượng/lực cực lớn để làm cho đoàn tàu chuyển động. Ma sát cũng tăng lên khi trọng lượng của một vật tăng lên. Nó khiến cho lốp cao su gây ra ma sát nhiều hơn.
Khác với tàu hỏa, ô tô phải đi qua nhiều địa hình khác nhau, đòi hỏi chiếc xe phải bám chắc vào bề mặt đường, cần có đủ ma sát giữa bánh xe và địa hình. Lốp cao su đáp ứng được tiêu chí này. Loại lốp có ma sát cao này cũng phù hợp với điều kiện cần phanh gấp và dừng thường xuyên của ô tô.