Từ nay, sẽ không có chuyện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Đây là thông tin vừa được đưa ra tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 11/4, với nội dung thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Được biết, trong dự thảo đang lấy ý kiến có nêu quy định về phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, với các phương án xử lý: phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của NHNN là cần có quy định về biện pháp này.
Cùng với các biện pháp xử lý khác đã nêu trong dự án luật, các ý kiến cũng thống nhất từ nay trở đi, sẽ không đặt ra vấn đề NHNNmua lại các ngân hàng với giá 0 đồng.
Theo đó, các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.
Dự thảo cũng nêu, đối với các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng sẽ được xử lý theo các phương án mà dự án luật quy định.
Trong thời gian qua sau khi không thể triển khai được các biện pháp phục hồi, NHNN đã lần lượt mua lại bắt buộc ba ngân hàng thương mại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cần phải tiến tới cho phá sản doanh nghiệp và những ngân hàng yếu kém cũng không phải là ngoại lệ. Giải pháp phá sản ngân hàng là giải pháp cuối cùng được tính đến đối với việc xử lý TCTD yếu kém. Đây sẽ là một quá trình dài và phức tạp nhưng đúng với thông lệ quốc tế.
“Luật Phá sản đã có một chương về phá sản ngân hàng nhưng chưa được áp dụng. Hiện tại, nếu ngân hàng nào yếu kém thì NHNN sẽ mua với giá 0 đồng chứ không cho phá sản. Tuy nhiên, nếu dự thảo này thành luật thì tình hình có thể sẽ khác”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Đã kinh tế thị trường cho thị trường quyết định, anh yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Không thể để người ốm nặng với người lành, dẫn đến người dân không biết đâu ngân hàng mạnh, đâu là ngân hàng đang yếu kém. Vì vậy việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết”.