Sự việc xảy ra vào ngày 30/5, sau một trận giao hữu của U19 Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 9/2018, cầu thủ Zhou Junchen bị cấm thi đấu 1 năm, vĩnh viễn không được gọi lên đội tuyển. Lý do được đưa ra là rủ rê các đồng đội đi ăn nhậu.
Mới đây, vào tháng 4/2020, tuyển thủ Yu Hanchao bị CLB sa thải, bị phạt tù giam 15 ngày vì sửa biển số xe trái phép nhằm lách luật hạn chế giao thông ở tỉnh Quảng Châu. Yu Hanchao đối mặt với việc không được gọi trở lại lên ĐTQG.
Yu Hanchao làm ảo thuật với biển số xe cá nhân ở ngay nơi công cộng.
Còn rất nhiều những trường hợp khác trong quá khứ cho thấy sự vô kỷ luật của cầu thủ Trung Quốc bị báo chí phát giác. Hình phạt là những án cấm thi đấu, thậm chí phạt tù nhưng dường như sức răn đe chưa đủ lớn với cầu thủ khác.
Nhà báo Yuan Ye cho rằng vấn đề nằm ở cách quản lý vẫn chưa nghiêm khắc của chính ban huấn luyện.
"Thành viên BHL kiểm tra phòng lúc 22h30. Các cầu thủ vẫn có thể lẻn đi chơi sau đó. Vấn đề quản lý vì thế có vấn đề. Kỷ luật là điều quan trọng dù ở đội tuyển lớn hay đội trẻ, nếu không có nó, kỹ năng hay chiến thuật cao siêu cũng khó thực hiện", ông Yuan Ye chia sẻ.
Vị này nói thêm: "Ở trường hợp của đội U19 Trung Quốc, họ còn trẻ. Bằng tuổi các cầu thủ, bạn bè của họ mới bước chân vào đại học. Họ cần phải học và được giáo dục thêm. Vì thế, sự thiếu giáo dục và quản lý đã khiến các cầu thủ nghĩ rằng họ chỉ cần chơi trên sân tốt là đủ mà không cần tuân thủ thêm các quy tắc khác".
Hai vấn đề khác liên quan đến tiền bạc và đam mê. Về vấn đề đầu tiên, có một khoảng thời gian cầu thủ Trung Quốc đã phàn nàn về mức lương thấp. Sau này, các CLB đã cải thiện tốt mức thu nhập cho cầu thủ. Sự đầu tư từ các tập đoàn lớn, sự quan tâm từ Chính phủ cũng giúp thu nhập tăng lên nhiều lần. Thế nhưng, cầu thủ Trung Quốc lại lười biếng hơn trước là chuyện đang xảy ra.
Những cầu thủ nhập tịch đến Trung Quốc được kỳ vọng giúp nền bóng đá được quan tâm hơn. Họ làm được điều ấy nhưng cũng vô tình khiến các đồng đội bản địa trở nên lười biếng hơn. Ảnh: Sina.
Trang Sina bổ trợ thêm quan điểm: "Việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch hay nước ngoài nhằm đẩy cao sự cạnh tranh và cải thiện kỹ năng cho cầu thủ Trung Quốc. Thế nhưng, điều này khiến một bộ phận có tâm lý lười biếng. Họ nghĩ rằng chỉ cần có cầu thủ nhập tịch và nước ngoài, họ sẽ giành chiến thắng mà không cần quá cố gắng. Từ đó, họ nhận được những khoản thưởng mà không cần quá đầu tư cho việc tập luyện cải thiện trình độ".
Về chuyện đam mê, bóng đá Trung Quốc được xem có nền tảng nghèo nàn. Ở đất nước tỷ dân này, bóng bàn, cầu lông, bóng rổ mới là những môn thể thao được yêu thích nhất. Bạn có thể bắt gặp những bàn bóng bàn, sân cầu lông ở bất cứ đâu, nhưng sân bóng đá vẫn quá ít ỏi với mật độ dân số. Sự cạnh tranh không cao, còn tiền lương ở CLB thì hấp dẫn, cầu thủ Trung Quốc không cần cố gắng quá nhiều trở thành quan điểm có sức nặng.
Tờ Sina đưa ra thống kê đáng chú ý: "10.000 người tham gia vào ngành công nghiệp bóng đá là quá ít so với 1,3 tỷ dân. Bóng đá chưa bao giờ và sẽ rất khó trở thành môn thể thao được yêu thích nhất tại Trung Quốc".
Không có nhiều tài năng nhưng lại ngốn tiền bạc, cầu thủ bóng đá đối mặt với nhiều áp lực từ dư luận. Áp lực càng lớn hơn khi thành tích ở các cấp độ đội tuyển nam không những không tăng mà còn giảm trong thời gian qua. Người hâm mộ Trung Quốc đã từng than vãn nhiều về chuyện này.
Cuối năm 2019, U22 Việt Nam thắng thuyết phục U22 Trung Quốc 2-0 trong một trận giao hữu. Ảnh: Sina.
Cuối năm 2019, U22 Trung Quốc thua 0-2 trước U22 Việt Nam. Nhiều trang báo Trung Quốc thừa nhận bóng đá Trung Quốc đang dậm chân tại chỗ và để các nền bóng đá thấp hơn trước đây như Việt Nam, Thái Lan vượt lên.
Cũng chính từ điều ấy, cầu thủ Trung Quốc cảm thấy việc lên đội tuyển quốc gia là áp lực quá lớn với họ. Trong khi đó, thi đấu cho CLB vừa dễ chịu, vừa nhận được nhiều tiền lương.
Bóng đá Trung Quốc đang thay đổi mạnh mẽ về cơ sở vật chất. Giới chủ cũng tiến sâu hơn tới việc mua các CLB lớn trên thế giới. Những HLV hàng đầu cũng được mời sang Trung Quốc làm việc và thành tích cấp CLB ở đấu trường châu Á đã có cải tiến đáng kể trong 1 thập kỷ qua. Thế nhưng, sự vô kỷ luật của một số cầu thủ lại vẽ nên bức tranh tương phản khó hiểu cho môn thể thao này tại Trung Quốc.