Người Việt Nam tự hào khi Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên có hợp đồng chuyên nghiệp tại châu Âu, hãnh diện khi Văn Hậu là cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên chơi bóng tại Hà Lan, nơi có giải VĐQG thuộc top 6 châu Âu. Thế nhưng, điều đó không lạ lẫm với người Thái. Trong quá khứ, Kiatisak Senamuang từng sang Anh, Teerasil Dangda đã có mặt ở Tây Ban Nha, đều thuộc các CLB thi đấu ở hạng cao nhất.
Năm 2019 cũng đánh dấu một sự xoay trục của hai nền bóng đá. Sau những thất bại ở Đông Á, cầu thủ Việt Nam được định hướng sang châu Âu. Văn Hậu từ chối Nhật Bản đến thẳng SC Heerenveen, Quang Hải cũng có sự chối từ tương tự để chờ một lời đề nghị hấp dẫn hơn ở châu Âu. Thái Lan thì khác. Các cầu thủ hay nhất đổ bộ liên tục lên xứ sở mặt trời mọc thay vì làm như Kiatisak, Teerasil Dangda.
Điều gì đã tạo nên sự xoay chuyển như thế giữa hai nền bóng đá như mặt trăng và mặt trời ở Đông Nam Á?
Chanathip Songkrasin đang trở thành ngôi sao ở Nhật Bản còn Văn Hậu vẫn chưa tìm thấy bước đi tiếp theo sau khi đặt chân tới Hà Lan thi đấu. Ảnh: Hiếu Lương - Consadole Sapporo.
1. Niềm tin của CLB Nhật Bản dành cho cầu thủ Thái Lan ngày một lớn
Năm 2018, Chanathip Songkrasin được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Consadole Sapporo, đồng thời, anh được chọn vào đội hình tiêu biểu J.League 1. Sự kiện này không tầm thường.
Nó tạo nên một góc nhìn mới cho người Nhật Bản về chất lượng cầu thủ Thái Lan. Ngược lại, chính Chanathip giúp quảng bá chất lượng cầu thủ Thái Lan tới người Nhật. Không phải ngẫu nhiên Chanathip được định giá 2,64 triệu USD (khoảng 54,5 tỷ đồng).
Thực tế cho thấy, Chanathip Songkrasin thi đấu liên tục ở Consadole Sapporo và trở thành trụ cột. Theerathon Bunmathan được đánh giá đóng góp tốt vào chức vô địch J.League 1 của Yokohama F.Marinos. Còn Teerasil Dangda hay Thitipan Puangchan đều đá trên 20 trận cho các đội bóng Nhật 2 mùa giải qua. Đấy là những con số đáng mơ ước với cầu thủ Việt khi tới Đông Á.
Thai League 1 cũng là giải đấu giàu tính chuyên nghiệp nhất Đông Nam Á. Chính người Việt cũng thừa nhận điều này. Để tạo nên điều ấy, mô hình của các CLB cần chuyên nghiệp trước tiên và chính điều ấy ăn nhập với hệ thống tại J.League. Làm ăn với người Thái vì thế sinh lời cả về chuyên môn lẫn hình ảnh tốt hơn hẳn Việt Nam. Đó là thực tế cho dù người hâm mộ Việt Nam đem lại hiệu ứng lớn trên mạng xã hội.
Một điểm nữa cần chú ý là việc cầu thủ Thái Lan đều xuất ngoại khi ngoài 24 tuổi, trải qua vài năm chinh phục danh hiệu. Muangthong United cũng chuẩn bị kỹ càng cho các cầu thủ khi xuất ngoại trong đó có đội ngũ hỗ trợ về văn hoá, ngôn ngữ. Cùng với sự hỗ trợ từ LĐBĐ Thái Lan, jọ đẩy mạnh cả truyền thông cho các cầu thủ này, tạo các cuộc hội ngộ trên đất Nhật Bản để tạo nên một cộng đồng nhỏ mang đậm màu sắc Thái Lan trên đất Nhật.
Họ tạo nên cảm giác tận dụng tốt hơn quỹ thời gian chơi bóng ở Nhật Bản so với ngày Công Phượng, Tuấn Anh còn ở đây khi mới 21 tuổi.
Chanathip Songkrasin đang là trụ cột cho Consadole Sapporo. Ảnh: CS.
CĐV Consadole Sapporo giơ biểu ngữ và cờ Thái Lan. Họ đã coi Chanathip Songkrasin là "đứa cong cưng" của đội bóng vùng Hokkaido. Ảnh: CS.
2. Thất bại liên tục của những cầu thủ HAGL tại Đông Á
Ghế dự bị là địa chỉ quen thuộc của bộ ba Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường tại Nhật Bản (Yokohama FC, Mito Hollyhock) và Hàn Quốc (Incheon United, Gangwon FC) trong những lần xuất ngoại từ năm 2016 – 2019. Tổng cộng HAGL 5 lần cho mượn 3 cầu thủ hay nhất của lò đào tạo. Tất cả đều không thành công như mong đợi.
Kể cả khi Phượng được kỳ vọng nhất sau một kỳ Asian Cup 2019 thành công, được ra sân thi đấu nhiều tại Incheon United, đó vẫn là quãng thời gian thất bại vì không phù hợp với lối chơi thiên về sức mạnh ở K.League Classic.
Về chuyên môn, bầu Đức sẽ phải lăn tăn nếu tiếp tục kiên trì định hướng Đông Á. Về tiếng vang, bầu Hiển của Hà Nội FC sẽ không muốn đi theo con đường đã có người đi trước. Sự thật chứng minh, Văn Hậu sang Hà Lan năm 2019 là thương vụ "ồn ào" nhất kể từ ngày Công Phượng đến Nhật Bản vào năm 2016.
"Những đứa trẻ của bầu Đức" vẫn chưa thể toả sáng ở nước ngoài như kỳ vọng. Ảnh: HAGL.
3. Trạm trung chuyển mang tên Muangthong United
Về chuyện cho cầu thủ xuất ngoại, nếu Việt Nam có HAGL thì Thái Lan có Muangthong United. Cả 4 cầu thủ Thái Lan chơi bóng tại J.League 1 mùa này đều là người của đội chủ sân SCG, sẽ là 5 nếu Sarach Yooyen có bến đỗ. Trong đó, Chanathip Songkrasin có mùa giải thứ 4 liên tiếp tại Consadole Sapporo. Cùng với Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda, Kawin Thamsatchanan, họ cũng đều là tuyển thủ Thái Lan.
Mấu chốt của các cuộc chuyển nhượng nằm ở mối quan hệ của Muangthong United với các CLB ở Nhật Bản. Họ thuộc quyền quản lý của tập đoàn xi măng Siam, "gã khổng lồ" của kinh tế Thái Lan có mối liên hệ khăng khít với thị trường Nhật Bản. Mối quan hệ giữa các thực thể vì thế càng có cơ sở để bền chặt.
Muangthong United vì thế trở thành trạm trung chuyển thuận tiện cho cầu thủ Đông Nam Á đến mảnh đất Nhật Bản. Thủ môn Đặng Văn Lâm đã tính toán đến tận bước đi này đối với sự nghiệp.
Tính đến năm 2019, Thái Lan có khoảng 24 cầu thủ sang Thái Lan chơi bóng nhưng đã chững lại trước đó khá lâu trước khi thương vụ Chanathip Songkrasin báo hiệu sự khởi sắc. Bên cạnh đó, việc HLV Akira Nishino chính thức dẫn dắt ĐTQG và U23 Thái Lan giúp mối quan hệ giữa bóng đá Thái Lan và Nhật Bản càng sâu sắc.
Chính vị HLV này xác định Nhật Bản là môi trường phù hợp với cầu thủ Thái Lan. Sau đó, ông đưa ra lời khuyên và tác động gần nhất là việc thủ môn Kawin rời Bỉ để đến Nhật Bản với hy vọng trở lại thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp.
Sau khi chứng minh được trình độ ở V.League, có chỗ đứng ở đội hình chính ở đội tuyển quốc gia, Văn Lâm sang Thái Lan để phát triển sự nghiệp. Nếu có cơ hội, anh sẽ không bỏ lỡ cơ hội sang Nhật Bản chơi bóng. Ảnh: Hiếu Lương - MTUTD.
4. Trạm trung chuyển thứ hai mang tên J.League 1
Đây cũng là điểm khác biệt lớn giữa hai nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan. Sau thất bại của một số cái tên được cho là xuất sắc nhất ở châu Âu, Nhật Bản được xem là môi trường phù hợp hơn về văn hoá và trình độ chơi bóng. Lộ trình mà người Thái tạo nên có thể đáng suy ngẫm.
Sau một đợt sàng lọc ở Thai League 1, họ tiếp tục sàng lọc những nhân tố tốt nhất ở J.League 1. Từ đây, những cá nhân xuất sắc nhất sẽ tiếp tục bước chuyển mình tới nền bóng đá có chất lượng cao hơn nếu có thể.
Việc từng thi đấu tốt ở Nhật Bản được xem dĩ nhiên như một tờ giấy giới thiệu có sức nặng hơn hẳn so với Việt Nam hay Thái Lan, những quốc gia ở vùng trũng của thế giới bóng đá. Nhật Bản là bước đệm cho tương lai.
Cựu HLV đội tuyển nữ Việt Nam Steve Darby nhận định: "Tôi từng khuyên các cầu thủ Việt Nam cũng như Thái Lan nên sang châu Âu chơi bóng. Đó là môi trường tốt nhất thế giới và có thể học hỏi nhiều điều dù thành công hay thất bại. Dù vậy, ở châu Âu sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, các cầu thủ khó có được cơ hội thi đấu cũng như hòa nhập với văn hóa. Nhật Bản là một môi trường trung hòa, vừa phù hợp với các cầu thủ Đông Nam Á vừa cho họ cơ hội chơi bóng đỉnh cao".
Trong số những cầu thủ Thái Lan đang chơi bóng ở Nhật Bản, Chanathip Songkrasin được người hâm mộ quê nhà kỳ vọng sẽ vươn tới một nền bóng đá cao hơn tại châu Âu. Ảnh: Fox Sports Asia.