Vì sao Campuchia không lấy lại chiếc máy bay 'bị bỏ quên' ở Nội Bài 12 năm và Cục Hàng không chưa tìm ra phương án giải quyết?

Hoàng An |

Đã từng có những doanh nghiệp ngỏ ý đổi bánh kẹo, đổi suất dưỡng lão,... lấy chiếc máy bay này.

Chiếc máy bay vô chủ Boeing B727-200 thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), Campuchia, đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ năm 2007.

Năm 2014, Cục trưởng Cục Hàng không Campuchia (SSCA), ông Keo Sivorn cho biết vì Royal Khmer Airlines không còn đăng ký với SSCA nên chính phủ Campuchia không có trách nhiệm đối với chiếc máy bay này, cũng như không có ý định lấy lại. "Việt Nam tìm chủ sở hữu cho chiếc máy bay, hoặc bán phế liệu, tùy vào quyết định của Việt Nam".

Trước đó, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã gửi văn bản đến Cục Hàng không đề xuất các phương án trao đổi để được sở hữu chiếc máy bay vô chủ. Trong đó, có những doanh nghiệp đề xuất đổi hàng hoá là bánh kẹo lấy chiếc máy bay, chiếc máy bay này cũng được Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng bày tỏ ý định muốn đổi 3 suất dưỡng lão tại trung tâm lấy chiếc máy bay trên.

Cục Hàng không đã nhiều lần thuê tổ chức định giá nhưng không có tổ chức nào đánh giá được chiếc máy bay vô chủ Boeing B727-200. Lần đầu tiên, tổ chức chức định giá đã phải bỏ cuộc khi không thể xác định được giá tàu bay. Năm 2018, Cục Hàng không thuê một tổ chức định giá khác, nhưng số tiền mà tổ chức này đưa ra là 1,7 tỷ VND được cho là quá thấp.

Theo lãnh đạo Cục, lý do khó định giá được chiếc máy bay này là vì không còn sử dụng được nữa. Do đó, Cục thấy không đủ cơ sở thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra. Nếu chiếc máy bay vẫn đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác thì Cục có thể tham khảo ý kiến của hãng hàng không và các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá tàu bay để làm cơ sở phê duyệt, thống nhất giá khởi điểm.

“Tài sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nêu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, hiện chiếc máy bay này là tài sản của Nhà nước, để lâu không sử dụng vào mục đích cụ thể nào sẽ làm giảm giá trị tài sản.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu lại các phương án, bao gồm cả việc giao tài sản cho các đơn vị có nhu cầu (bao gồm các cơ quan nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam) hoặc đấu giá.

Trong trường hợp giao tài sản, cần phải làm rõ nếu giao thì sử dụng vào mục đích gì, để đâu, phương án vận chuyển, chi phí như ra sao.

Cục Hàng không cũng đang có đề xuất giao lại chiếc máy bay này cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thay vì đấu giá để sử dụng làm mô hình trong công tác tổ chức diễn tập an ninh, an toàn cho các lực lượng của ngành hàng không. Hiện ACV chịu thiệt hại hơn 800.000 USD cho các loại phí trong 12 năm tàu bay nằm lại sân bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại