Nhà đầu tư châu Á thường nhìn theo những gì mà giá cổ phiếu đang thể hiện ở Mỹ mà có hành động phù hợp, cũng giống như cách mà nhiều quốc gia châu Á vẫn đang phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ để có được tăng trưởng.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lại cho rằng những đợt giảm giá mạnh, dù là rất đột ngột và gây sửng sốt cho mọi người, nên được xem xét theo một quan điểm hợp lý.
Các nền tảng kinh tế cơ bản ở Mỹ và nhiều quốc gia châu Á hiện vẫn mạnh hơn so với những gì mà họ có được kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nghe thì có vẻ "ngược đời", nhưng Dheeraj Bharwani, một chiến lược gia về tài sản đang hoạt động độc lập, lại cho rằng "thật sự là chính những tin tức kinh tế tích cực đến từ Mỹ mới là điều đã gây ra các đợt rớt giá trên thị trường châu Á".
Đúng vậy, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng. Điều đó nghĩa là các kỳ vọng về lạm phát – hay nói cách khác là, mọi thứ sẽ có giá cả bao nhiêu trong tương lai - đang tăng lên.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất lên nhanh hơn và ở một mức độ đều đặn hơn so với những gì mọi người đang mong đợi từ họ, để bình ổn nền kinh tế của quốc gia này.
Công việc của các ngân hàng trung ương là quan sát tình hình cả trong lẫn ngoài nước rồi điều chỉnh lãi suất để bảo đảm rằng nền kinh tế của đất nước mình không tăng trưởng quá nhanh hay quá chậm.
Đây là điều đang khiến cho một số nhà đầu tư ở Mỹ và châu Á quyết định rút tiền của họ ra khỏi thị trường chứng khoán.
Bởi vì khi chi phí vay tăng lên, nhà đầu tư sẽ lo lắng về tác động của việc đó lên triển vọng tăng trưởng của những công ty. Lãi suất tăng thì tất nhiên việc xây dựng nhà máy mới hay mở rộng sản xuất sẽ đắt đỏ hơn.
Vì thế, nhà đầu tư giờ đây có "một chọn lựa về chuyện nên bỏ tiền của họ ở đâu. Với việc Mỹ sẽ tăng lãi suất trong năm nay, họ không cần phải đầu tư tiền vào các cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận", David Kuo, một chuyên gia phân tích của Motley Fool, nhận định.
Các thị trường châu Á cũng đã hưởng lợi từ việc lãi suất của Mỹ được duy trì ở những mức thấp kỷ lục suốt cả thập niên qua, vì phần lớn lượng tiền trong số đó đã được đổ vào các thị trường châu Á để mong muốn có được những khoản lợi nhuận tốt hơn.
Tuy vậy, giờ đây khi lãi suất của Mỹ được kỳ vọng là sẽ tăng, nhiều nhà đầu tư châu Á đang cảm thấy lo lắng rằng giai đoạn tăng giá liên tục trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể sẽ bị chậm lại và ngưng hẳn, và điều đó cũng có thể kéo các cổ phiếu châu Á xuống mức thấp hơn.