Bờ biển trải dài tuyệt đẹp của Việt Nam là nơi tọa lạc của đa phần các khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp nhất, với phong cách thiết kế nổi bật và tiện nghi hàng đầu.
Tất nhiên mức giá cũng song hành. Theo thống kê của tạp chí Forbes, giá phòng cao nhất của The Reverie Saigon là 300 triệu đồng/đêm.
Tiếp đến với 100 triệu đồng bạn có thể lựa chọn nghỉ tại Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Six senses Ninh Vân Bay, Six Senses Côn đảo, Amanơi resort hoặc The Nam Hải resort.
Mức giá nhẹ nhàng hơn như 78 triệu đồng cho một đêm tại Intercontinental Danang Sun Peninsula, Vinpearl resort Nha Trang tốn khoảng 50 triệu đồng cho phòng đắt nhất.
Năm 2016 có 3 yếu tố chính khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch gây sóng gồm: Hạ tầng liên tục đầu tư và và hoàn thiện để tạo đà phát triển ngành du lịch. Thứ 2 là các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, USD có tỷ suất sinh lời khá thấp.
Thứ ba, nhiều chủ đầu tư đưa ra mức giá từ 2-3 tỷ, phù hợp với giới đầu tư tầm trung. Điều này cũng kéo khách về những khu nghĩ dưỡng đắt tiền nhưng số người lưu lại tại đây chắc chắn không nhiều.
Mới sáng nay, Tổng cục thống kê công bố thông tin cho thấy nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2016 ước tính đạt 48,6 triệu đồng.
Hồi tháng 4 vừa qua tổ chức xếp hạng tín dụng Standard&Poor’s (S&P) đưa ra dự báo thu nhập bình quân đầu người Việt Nam khoảng 2.200 USD (tương đương gần 49 triệu đồng).
Nếu theo những con số này thì để vào được những resort cao cấp này có lẽ phải là những sếp ngân hàng lương từ 100 đến vài trăm triệu đồng, doanh nhân sở hữu những doanh nghiệp làm ăn tốt hoặc những người trúng số Vietlott.
Trong khi đó với phần lớn số đông sẽ đặt ra câu hỏi tại sao phải bỏ ra cả trăm triệu cho một giấc ngủ như vậy? Những nhà quản lý resort có đang bán với giá quá cao?
Theo giải thích của giới kinh tế học quyết định kinh doanh được xây dựng trên 3 trụ cột: Chi phí, giá trị và giá cả. Chi phí là thứ doanh nghiệp trả cho nhân viên và nhà cung cấp để sản xuất và quảng bá sản phẩm và dịch vụ.
Giá trị là mức độ người mua nghĩ rằng những hàng hóa và dịch vụ đó sẽ khiến cuộc sống của họ tốt hơn, so với khi họ không có chúng. Và giá cả là thứ người mua trả. Đây là 3 yếu tố cơ bản trong những lựa chọn mà nhà điều hành phải đưa ra hằng ngày.
Họ được trả tiền cho việc cân nhắc giải quyết 3 yếu tố đó.
Đầu tiên hãy xét đến khía cạnh chi phí, rõ ràng những resort này phải chi khoản tiền không nhỏ để đầu tư cơ sở hạ tầng tiện nghi hiện đại, tiếp theo là bỏ tiền duy trì nó như thuê công nhân cắt cỏ, thuê nhân viên phục vụ, thuê lễ tân mỉm cười đón khách, thuê đầu bếp giỏi để chế biến ra những món ngon,...
Tiếp theo là trụ cột giá trị, thứ mà khách hàng cảm nhận để khiến cuộc sống họ tốt hơn. Các nhà kinh tế học cho rằng hành động của bất cứ cá nhân nào cũng hướng tới mục tiêu tối ưu hóa.
Một doanh nhân kinh doanh thì mục tiêu là tối ưu hóa lợi nhuận, một công nhân làm việc trên công trường hướng tới tối ưu hóa thu nhập lại có những người tối ưu hóa cảm giác thỏa mãn dịch vụ.
Do đó những resort không phải vô lý khi bán dịch vụ với giá cao bởi có những người sẵn sàng trả tiền cho việc tối ưu hóa một giấc ngủ hoàn hảo, đầy đủ tiện nghi của mình.