Vì sao các nước châu Âu "im lặng tập thể" khi bạo lực xảy ra ở Catalonia?

Ngọc Anh |

Ngày hôm qua, 1/10, một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập diễn ra ở vùng Catalonia, Tây Ban Nha, với thủ phủ là thành phố nổi tiếng Barcelona.

Các tiền lệ đòi ly khai của Catalonia khiến nơi này từ lâu đã là một vấn đề âm ỉ trong đời sống chính trị Tây Ban Nha.

Chính phủ Tây Ban Nha coi cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 là hành động vi hiến, bất hợp pháp và đã điều động 25.000 cảnh sát tới ngăn chặn.

Trong số 2,26 triệu người đi bỏ phiếu ở Catalonia (vùng có tổng số dân 7,5 triệu), gần 900 người đã bị thương khi đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, hầu như tất cả các lãnh đạo châu Âu vẫn giữ im lặng, một ngày sau khi bạo lực xảy ra ở Catalonia.

Chỉ có hai ngoại lệ, đó là Thủ tướng Bỉ Charles Michel, ông nói "bạo lực không bao giờ có thể là câu trả lời", và Thủ tướng Slovenia Miro Cerar khi ông phát biểu rất "quan ngại" với những gì đã xảy ra ở Catalonia.

BBC lý giải cho sự im lặng tập thể này, đó là truyền thống các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau. Nhưng với trường hợp Catalonia thì có lẽ lý do không dừng lại ở đó.

Đầu tiên, rất nhiều nước EU lo ngại việc Catalonia đòi độc lập sẽ thúc đẩy các phong trào ly khai khác ở chính đất nước của họ. Điều họ rất "thấu hiểu" đối với chính phủ Tây Ban Nha hiện nay chính là việc không muốn sự thống nhất của quốc gia bị đe dọa.

Thứ hai, các nước châu Âu buộc phải thể hiện sự nhất quán bởi họ đã giữ lập trường phủ định trong các vấn đề tương tự, như người Kurd trưng cầu để lập nhà nước riêng ở Trung Đông. Sẽ thế nào nếu châu Âu thừa nhận một Catalonia độc lập?

EU cũng sẽ khó có thể ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập nhưng đã rõ ràng là trái hiến pháp của một nước thành viên.

Thứ ba, lý do quan trọng nhất cho sự im lặng của các nhà lãnh đạo ở châu Âu, đó là vì trên nguyên tắc, EU cơ bản phản đối các phong trào ly khai. Sự ly khai được EU xem như một mối đe dọa cho sự thống nhất của một khối các quốc gia có chủ quyền. Việc một quốc gia thành viên bỗng nhiên tách làm hai sẽ là vấn đề lớn đối với khối.

Liệu một Catalonia độc lập có nên tham gia vào EU hay sử dụng đồng euro? Điều gì sẽ xảy ra nếu Tây Ban Nha ngăn chặn Catalonia trở thành thành viên EU? Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Tây Ban Nha khi Catalonia đang là vùng tạo ta 20% GDP và thu hút 30% vốn đầu tư của cả nước? Những khoản nợ của Tây Ban Nha sẽ phải giải quyết như thế nào?

Theo phóng viên chuyên về đối ngoại James Landale của BBC, tất cả các quốc gia châu Âu đều không nhìn thấy lợi ích của mình trong việc lên tiếng ủng hộ Catalonia và làm mất lòng Madrid.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại