Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đúng là Bộ Xây dựng có đề xuất gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 110.000 tỉ đồng nhưng không thể thực hiện được, vì nguồn tiền này là tái cấp vốn và không thể lúc nào cũng đưa ra được.
Do đó, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội chỉ có 1 gói tín dụng 120.000 tỉ đồng do Ngân hàng Nhà nước triển khai. Số tiền này là nguồn vốn đóng góp của các ngân hàng thương mại, có lãi suất cho vay ưu đãi dành riêng cho đối tượng vay tiền xây dựng nhà ở xã hội và người mua nhà.
Về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng này, các ngân hàng thương mại vẫn đang tính toán, thống nhất để hoàn tất cơ chế cho vay trong thời gian tới. Theo đó, ngành ngân hàng sẽ tập trung làm rõ đối tượng nào sẽ được vay tiền xây dựng dự án và ai sẽ được vay để mua nhà ở xã hội. Khi đó, nếu cần thiết thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức họp báo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân biết.
Theo ông Tú, Bộ Xây dựng chỉ mới cung cấp danh mục, phê duyệt một số dự án nhưng còn phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang tính toán nên chưa có dự án mới về nhà ở xã hội được triển khai. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẩn trương hoàn thiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để phục vụ nhu cầu vay vốn của chủ đầu tư lẫn người mua nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay.
Phóng viên Báo Người Lao Động cũng đã liên hệ với ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và được ông Hưng cho biết Bộ Xây dựng đang xem xét, dự kiến tạm ngừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỉ đồng để áp dụng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Nguyên nhân là do sau Hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì hôm 17-2, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay. Chính vì vậy Bộ Xây dựng không đề xuất gói 110.000 tỉ đồng nữa.
Trước đó, tại Hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản. Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ.
Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và đã thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. "Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn"- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.