Vì sao Bộ TTTT sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam

Nguyễn Hoài |

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tháng 5 sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok Việt Nam trong bối cảnh mạng xã hội này xuất hiện nhiều nội dung xấu, độc, phản cảm.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hoạt động kiểm tra dự kiến bắt đầu từ tháng 5 với nhiều nội dung.

So với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok bắt đầu muộn hơn nhưng có sự phát triển bùng nổ ở Việt Nam trong 3 năm qua. Số liệu của DataReportal cho thấy, tính đến tháng 2, có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam, xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có lượng người sử dụng TikTok nhiều nhất.

Đây cũng là một trong 4 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, cùng với Facebook, YouTube và Zalo.

Bên cạnh các nội dung chia sẻ lành mạnh, vui vẻ, thời gian gần đây mạng xã hội này xuất hiện ngày càng nhiều nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan. Đặc biệt thuật toán do TikTok phát triển riêng khiến các nội dung xấu độc có thể xuất hiện liên tục với người xem.

Theo ông Lê Quang Tự Do, TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu nhưng khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam. Pháp luật đó không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quá trình kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm.

Với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày, TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới.

TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Bytedance, từ lâu đã khăng khăng họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và dữ liệu của TikTok không được lưu giữ tại Trung Quốc. Nhưng nhiều quốc gia vẫn thận trọng về nền tảng này và mối quan hệ của TikTok với chính phủ Trung Quốc.

Đến thời điểm này, một số quốc gia trên thế giới đã cấm toàn bộ hoặc một phần TikTok gồm: Ấn Độ; Đài Loan (Trung Quốc); Hoa Kỳ; Canada; Liên minh Châu Âu; Pakistan; Afghanistan...

Bên cạnh yếu tố an ninh vẫn còn những quan ngại về nội dung của TikTok và tác hại đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên.

TikTok có những tác động tiêu cực không thể phủ nhận đối với người dùng trẻ. Một cuộc khảo sát mới với hơn 2000 người từ Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) cho thấy 80% mọi người nói rằng họ thức quá khuya để sử dụng các ứng dụng như TikTok, dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ban ngày.

Thiếu ngủ rất có hại cho sức khỏe thể chất, nhận thức, xã hội, cảm xúc, tăng nguy cơ trầm cảm, béo phì, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, sa sút trí tuệ.

Thời đại mạng xã hội phát triển, những bình luận ác ý, video công kích, nhạo báng, chửi bới đã ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân khiến họ sợ hãi, lo lắng, bất an, hoặc tệ hơn là phải chịu sự chi phối của các đối tượng xấu như trộm cắp, giết người...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại