Vì sao bạch tuộc được công nhận là sinh vật quái dị nhất hành tinh

Châu Anh |

Sinh vật được xem là kỳ dị nhất được các khoa học trao cho một sinh vật biển, đó là bạch tuộc. Vậy điều gì đã khiến cho bạch tuộc trở nên khác biệt đến vậy?

Bản thân bạch tuộc đã là một loài kỳ dị thật khi chúng có đến 3 trái tim, máu màu xanh lam, có khả năng tự hồi phục xúc tu nếu bị đứt. Chưa hết, chúng có khả năng nguỵ trang thượng thừa, và đặc biệt là cực kỳ thông minh đến mức biết sử dụng công cụ để phục vụ cho cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, tất cả những điều trên chưa đủ để biến bạch tuộc thành loài kì dị nhất hành tinh này. Nguỵ trang và mọc lại bộ phận đã mất? Tắc kè cũng làm được! Giun đất thì có đến 5 trái tim, trong khi tinh tinh cũng có thể sử dụng công cụ khi cần thiết.

Thứ khiến bạch tuộc trở nên khác biệt nằm ở một chỗ khác. Đó là khả năng tự điều chỉnh, tự thiết kế lại các ARN trong cơ thể, và khả năng này đã có trước khi con người hiện đại xuất hiện khoảng 200.000 năm.

Lý do nào tạo ra khả năng này thì chưa ai rõ, nhưng theo các nhà khoa học, bạch tuộc ngày nay điều chỉnh ARN là để phục vụ sinh tồn khi nhiệt độ môi trường thay đổi.

Chỉnh sửa ARN là gì và tại sao nó đặc biệt?

Chỉnh sửa ARN cũng khá giống với ADN, nhưng lại cho kết quả tuyệt vời hơn với khác biệt nằm ở hiệu ứng trong dài hạn.

ADN là một phần nhỏ của hàng nghìn tỉ tế bào trong cơ thể người. Vậy nên nếu thay đổi mã ADN trong 1 tế bào, đó là sự thay đổi vĩnh viễn trong bộ gene và truyền được qua các thế hệ tiếp theo. Đó cũng là cách các loài vật tiến hóa trong hàng triệu năm qua.

Nhưng bạch tuộc thì khác. Chúng chỉnh sửa lại ARN - thứ ngắn và nhỏ hơn ADN, và điều này giúp chúng được phép "thử nghiệm" những tính trạng phù hợp với môi trường mà không phải lo về chuyện ảnh hưởng đến bộ gene của các thế hệ kế tiếp.

"Nói cách khác, đột biến ARN hay chỉnh sửa ARN không nguy hiểm như ADN. Bạn có thể làm mọi thứ với ARN, thử mọi khả năng có thể xảy ra mà không lo tổn hại được duy trì cho thế hệ sau." - trích lời giáo sư Eli Elisenberg từ ĐH Tel-Aviv (Israel).

Khác với ADN, ARN không có tính di truyền, nghĩa là bạn có thể chỉnh sửa ARN ở từng bộ phận trong cơ thể. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu còn nhận ra rằng bạch tuộc có thể chỉnh ARN trong tế bào não, để có thể phát triển tốt hơn. Bởi vậy, có giả thuyết cho rằng khả năng này chính là thứ đã giúp bạch tuộc là loài thông minh nhất trong số động vật thân mềm hiện nay.

Nhiều loài động vật - bao gồm cả con người - cũng đang sở hữu những enzyme cần thiết để chỉnh sửa ARN, nhưng cơ chế không hề hiệu quả khi so với bạch tuộc. Chẳng hạn ở người có khoảng 10 khu vực chỉnh sửa ARN, trong khi bạch tuộc có đến hàng vạn.

Dẫu vậy ở thời điểm hiện tại, công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR đã cho phép con người tác động được đến ARN. Vậy nên rất có thể trong tương lai khả năng sửa ARN sẽ không còn là độc nhất nữa.

Giác hút trên xúc tu bạch tuộc giúp cải tiến kỹ thuật công nghệ

Qua quá trình nghiên cứu loài bạch tuộc, các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều điều thú vị và áp dụng chúng vào khoa học công nghệ, giúp tạo ra những đổi mới đáng ngạc nhiên.

Ví dụ như các sắc tố đặc biệt trên da của chúng giúp chúng ta tạo ra những bộ quần áo có thể thay đổi màu sắc, chất chitosan trong mực của chúng được sử dụng để tạo ra một loại bóng bán dẫn protein, cách di chuyển của chúng có thể được mô phỏng để áp dụng cho các robot thân mềm.

Mới đây các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu các giác hút trên xúc tu của chúng, họ đã phát hiện ra một cơ sở mới để phát triển loại vật liệu có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực phẫu thuật tái tạo.

Họ đã phát hiện ra các giác hút trên xúc tu của chúng có những chiếc răng đặc biệt, rất nhỏ và vô cùng sắc nhọn. Chúng sử dụng các xúc tu với giác hút của mình để bám vào các bề mặt cũng như khiến con mồi của chúng không thể chạy thoát, tuy nhiên không chỉ sử dụng lực hút từ những giác hút này, chúng còn sử dụng những chiếc răng đặc biệt để bám chắc hơn.

Một điều kỳ lạ đó là những chiếc răng này có cấu trúc hoàn toàn bằng protein. Trong khi đó, những dạng tương tự trong tự nhiên (trong đó có xương hay vỏ các loài giáp xác) đều chứa các khoáng chất như canxi clorua, khiến chúng có độ cứng nhất định.

Các nhà khoa học tại đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đã xác định được thành phần của các loại protein tạo nên những chiếc răng đặc biệt này. Các thành phần này được hình thành theo một mạng lưới polymer “ß-sheet”, một cấu trúc tương tự tơ nhện và khiến tơ nhện có độ bền rất cao.

Với kết quả của nghiên cứu này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra được cấu trúc protein này, sau đó sử dụng để tạo ra các loại vật liệu tái tạo tổng hợp. Loại vật liệu này sẽ được sử dụng để tạo ra các dây chằng nhân tạo, xương nhân tạo và những bộ phận đặc biệt khác trong cơ thể.

Argonaut - Loài bạch tuộc có thể tháo rời... dương vật

Bạch tuộc Argonaut, loài động vật thân mềm sống trong một chiếc vỏ do mình tự tạo ra, là loài sinh vật biển duy nhất bơi thông qua lực đẩy phản lực. Chúng sử dụng vòi phun khỏe mạnh phun nước qua một cái phễu trong lớp vỏ tạo lực đẩy.

Những con bạch tuộc đực thường dài vài centimet, chỉ bằng khoảng 10% kích thước của cá thể cái.

Các cá thể đực sẽ phát triển một xúc tu có thể biến đổi trong một bao da nhỏ dưới mắt. Đến thời điểm thích hợp, chúng sẽ nổ tung ra khỏi khoang chứa và bơi qua cá thể cái, gắn vào lớp vỏ của nó bằng ống hút và chúng sẽ chuyển động theo cách riêng vào bên trong.

Nói dễ hiểu hơn, thay vì giao phối trực tiếp với nhau, con đực chỉ đơn giản tự cắt bỏ "cánh tay" có chứa tinh trùng và để nó tự bơi lại thụ tinh với trứng của con cái. Đây là loài có dương vật thuộc dạng kỳ quái nhất. Bạch tuộc Argonaut sẽ tự tách dương vật ra để nó bơi đến tìm bộ phận sinh dục của con cái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại