Vì sao Anh áp đặt biện pháp bảo vệ với dự án "khủng" của Trung Quốc?

Bích Hà |

Sau một thời gian trì hoãn, cách đây ít ngày, Chính phủ Anh đã "bật đèn xanh" cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point có vốn đầu tư "khủng" của Trung Quốc, đồng thời áp đặt thêm những "biện pháp bảo vệ quan trọng" đối với an ninh quốc gia.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tạo lập sự tin tưởng đối với các đối tác châu Âu. 

Theo tạp chí “Le Point”, Chính phủ Anh đã đồng ý để Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cùng với đối tác của mình là Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba EPR ở Hinkley Point với mục tiêu đáp ứng 7% nhu cầu điện năng của Anh.

Chủ tịch tập đoàn EDF, ông Jean-Bernard Levy, đã hoan nghênh quyết định trên và cho rằng "quyết định của Chính phủ Anh đánh dấu sự hồi sinh của điện hạt nhân ở châu Âu". 

Tại Trung Quốc, quyết định trên gây ra tác động mạnh bởi thời gian qua, Trung Quốc đã không che giấu tham vọng phát triển điện hạt nhân dân sự của mình.

Trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 7/2016, bà Theresa May đã quyết định xem xét lại chiến lược kinh tế của người tiền nhiệm là ông David Cameron, người quyết tâm đưa nước Anh trở thành đối tác số một của Trung Quốc - vị trí hiện đã bị Đức nắm giữ.

Chính việc xem xét lại đó đã khiến CGN, nơi cấp 7 tỷ trên tổng số vốn 21 tỷ euro cho đơn đặt hàng đầu tiên của loại hình này ở châu Âu kể từ khi xảy ra thảm họa Fukushima năm 2011, bị mất mát, thua thiệt nhiều trong hồ sơ này. Và đây không phải là dự án duy nhất của Trung Quốc tại Vương quốc Anh.

Dưới thời Thủ tướng David Cameron, chính sách cởi mở đối với Trung Quốc nhằm thu hút đầu tư, kết hợp với chuyến thăm Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2015 đã thiết lập nền tảng cho một số dự án công nghiệp và hạt nhân.

Bên cạnh dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point còn phải kể đến thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc về việc xây dựng một nhà máy điện tại Sizewell, miền Đông nước Anh, cho bộ đôi Trung-Pháp, trong đó Trung Quốc tài trợ 2/3 vốn đầu tư, và một nhà máy 100% công nghệ của Trung Quốc ở Bradwell, hạt Essex, cách London khoảng 100 km.

Do đã làm chủ công nghệ lò phản ứng hạt nhân kể từ năm 2015, với việc xây dựng một lò phản ứng có tên Hualong-1, Trung Quốc hiện đã trở thành đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc, chia sẻ thị trường quốc tế trong lĩnh vực này.

Nhà máy điện tại Bradwell sẽ trở thành nơi trưng bày và giới thiệu công nghệ điện hạt nhân của Trung Quốc tại các nước phương Tây sau khi nước này đã ký các hợp đồng tương tự với Pakistan vào năm 2014 và Argentina vào năm 2015.

Các dự án điện hạt nhân của Trung Quốc và đối tác là tập đoàn EDF của Pháp bị đe dọa nghiêm trọng khi London hoãn phê chuẩn thỏa thuận xây dựng các lò phản ứng mới. 

Báo Anh The Telegraph cho biết sự trì hoãn này chứng tỏ sự mất lòng tin của chính phủ mới của Anh đối với đối tác Trung Quốc liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.

Sự e ngại này đã được Chánh Văn phòng Nội các Anh Timothy Nick nhấn mạnh khi đề cập đến khả năng Trung Quốc tạo ra những "lỗ hổng trong hệ thống máy tính" trong việc vận hành nhà máy điện và qua đó có thể cắt giảm sản lượng điện của Anh theo ý muốn chủ quan. 

Vụ việc đã khiến Trung Quốc không hài lòng và ít nhiều ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa London và Bắc Kinh.

Mặc dù Chính phủ Anh đã quyết định tiếp tục dự án Hinkley Point nhưng phản ứng từ phía các cơ quan ở Trung Quốc rất khác nhau.

Trong khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh oan nghênh quyết định của Chính phủ Anh thì hãng tin Tân Hoa Xã lại chỉ trích gay gắt "những quan ngại hư cấu về an ninh quốc gia liên quan đến các dự án đầu tư của Trung Quốc". 

Bài báo nhấn mạnh dự án suýt đổ vỡ bởi thái độ ngờ vực này và đây là một sự mất lòng tin không có cơ sở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại