Mỗi năm một đợt, Amazon áp dụng chính sách tặng số tiền lên tới 5.000 USD cho mỗi nhân viên toàn thời gian làm việc tại các trung tâm hoàn tất đơn hàng nếu nhân viên đó thôi việc. Để được hưởng chính sách này, nhân viên phải có thời gian làm việc ít nhất 1 năm tại Amazon. Một khi đã nhận khoản thưởng thôi việc, nhân viên đó sẽ không bao giờ có thể quay lại Amazon làm việc.
"Chúng tôi muốn những người làm việc cho Amazon là những người thực sự muốn làm ở đây", phát ngôn viên Melanie Etches của Amazon nói với hãng tin CNBC. "Trong dài hạn, làm việc ở một nơi mà bạn không thực sự muốn sẽ không tốt cho cả bạn và công ty".
Theo chính sách của Amazon, nhân viên có thời gian làm việc 1 năm sẽ được hưởng 2.000 USD nếu thôi việc. Đối với mỗi năm làm việc tăng thêm, số tiền sẽ tăng thêm 1.000 USD, tối đa là 5.000 USD cho cả gói.
Chương trình mang tên "Pay to Quit" (Được trả để thôi việc) này được áp dụng lần đầu tại công ty bán lẻ giày dép Zappos mà Amazon mua lại vào năm 2009. Zappos chỉ áp dụng chính sách như vậy cho những nhân viên mới nhất, trong vòng vài tuần làm việc đầu tiên, và số "tiền thưởng thôi việc" là 1.000 USD.
Amazon nói rằng công ty không thực muốn nhân viên nhận đề xuất này. Giám đốc điều hành (CEO) Jeff Bezos cho biết, trên thực tế, dòng đầu tiên trong bản ghi nhớ gửi nhân viên công ty về chính sách này viết "Làm ơn đừng nhận đề xuất này".
Vậy tại sao Amazon vẫn đưa ra một chính sách như vậy?
"Mục đích là khuyến khích mọi người giành một chút thời gian và suy nghĩ về điều mà họ thực sự muốn", ông Bezos viết trong lá thư gửi cổ đông vào năm 2014. Và theo Amazon, hầu như không có nhân viên nào nhận khoản tiền này để nghỉ việc.
Xét đến chi phí tốn kém của việc thay đổi nhân sự, việc sử dụng khuyến khích tài chính cho nhân viên nghỉ việc có thể bị xem như một chiến lược phản khoa học. Tuy nhiên, theo ông Michael Burchell, một chuyên gia về văn hóa doanh nghiệp, cách làm này thực ra tăng cường sự gắn bó của nhân viên với công ty và mang lại hiệu quả chi phí trong dài hạn.
Vị chuyên gia nói sự gắn bó của nhân viên với công ty thường bao gồm hai yếu tố: cam kết làm việc lâu dài với công ty và nỗ lực tự thân trong công việc. Chương trình "Pay to Quit" không hẳn nhằm thúc nhân viên làm việc nhiều hơn, nhưng giải quyết vấn đề cam kết gắn bó.
"Nếu bạn không chọn nhận tiền, mà thay vào đó chọn ở lại, thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn cam kết gắn bó với công ty và gắn bó với công việc của mình", ông Burchell nói. "Cách làm này giúp đóng khung một hợp đồng tâm lý giữa công ty và nhân viên".
Về bản chất, những nhân viên từ chối đề xuất nhận tiền để nghỉ việc đã tái khẳng định cam kết với công ty, và điều này giúp họ gắn bó hơn, làm việc hiệu quả hơn, và cuối cùng mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn cho Amazon.
Các nghiên cứu đã chứng minh cho tính đúng đắn của suy luận này.
Một phân tích của Gallup chỉ ra rằng những nhóm làm việc có mức độ gắn bó cao của nhân viên đạt năng suất 21% cao hơn so với các nhóm khác.
Một nghiên cứu của UNC Kenan-Flagler Business School thì cho thấy những công ty có nhân viên gắn bó ở mức cao đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 3 năm cao gấp 2,3 lần so với những công ty có nhân viên gắn bó ở mức độ trung bình.
Ông Burchell nhấn mạnh rằng những nhân viên ít gắn bó với công ty nhiều khả năng hơn sẽ nhận tiền để nghỉ việc, mà những nhân viên như vậy thường là những người gây tổn thất cho công ty.
Theo Gallup, một nhân viên làm việc hời hợt, không yêu thích công việc và kém năng suất, khiến công ty thiệt hại 3.400 USD trong mỗi 10.000 USD tiền lương trả cho nhân viên đó, tương đương mức thiệt hại 34%. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi nhân viên ít gắn bó với công ty hưởng lương 70.000 USD mỗi năm, công ty thiệt hại 23.800 USD.
Bằng cách đưa ra đề xuất trên, Amazon có thể loại những nhân viên không gắn bó với công ty, ông Burchell nói. Cách làm này có thể khiến công ty tốn thêm tiền tuyển dụng và đào tạo lại trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, Amazon sẽ có những nhân viên chất lượng và gắn bó hơn.
"Điều này mang lại lợi ích tài chính trong dài hạn", ông Burchell nói.