Tôi có một anh bạn, người từng một thời khuynh đảo thị trường chứng khoán ở một vài mã cổ phiếu. Đối với tôi anh là người thất bại, vì sau bao tháng ngày chinh chiến, từ lúc cầm gần trăm tỷ đến lúc lại về 0, cái anh còn lại là những bài học để kể cho lớp sau nghe.
Nhưng rồi cuối cùng, anh vẫn lao vào trading như con thiêu thân, với hy vọng một ngày nào đó thị trường sẽ trả lại ánh hào quang xưa.
Đó là câu chuyện điển hình mà bạn có thể bắt gặp rất nhiều trên thị trường chứng khoán . Người vừa mới tháng trước khoe với bạn về một cổ phiếu lãi 100%, có thể đang cãi nhau với môi giới vì bị call margin. Người có thể đang hào hứng về kế hoạch mua nhà, mua xe, bỗng nhiên than thở vì bị đội lái úp.
Dù không có con số thống kê chính xác, nhưng ước chừng chỉ có 5% số người tham gia vào thị trường chứng khoán đạt được mục đích. Tôi thấy rằng chúng ta thường mắc phải những sai lầm cố hữu sau đây khi tham gia thị trường:
Quên mất mục tiêu của mình khi đầu tư là gì
Vietnam Holding là quỹ ngoại xuất sắc nhất trên thị trường. Họ đạt hiệu suất trung bình 34%/năm trong 5 năm qua, đáng mơ ước với tất cả chúng ta.
Hẳn chúng ta cũng muốn bắt chước họ, mua cổ phiếu đầu tư và nắm giữ dài hạn, nhưng chúng ta lại hành động như những con mồi đói khát, luôn muốn gia tăng lợi nhuận nhanh chóng.
Điều đó có nghĩa, cái chúng ta cần là lợi ích dài hạn, thì lại thực hiện theo cách ngắn hạn. Ngược lại, nếu chúng ta phù hợp để trading ngắn hạn, thì hãy chấp nhận những rủi ro của ngắn hạn.
"Mua vì cái gì thì bán ở cái đấy”. Nếu bạn mua theo TA thì hãy bán vì TA, mua vì lợi nhuận đột biến thì hãy bán khi công bố, đừng lẫn lộn giữa mục tiêu và phương pháp hành động.
Nỗi sợ hãi của sự bỏ lỡ
Có một hội chứng gọi là FOMO, Fear of Missing Out. Bạn có thể hiểu tại sao chúng ta thường quay trở lại Facebook nhiều lần, hay đọc các trang tin thường xuyên. Đó là cảm giác nếu không quay lại, chúng ta sẽ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng.
Chứng khoán cũng vậy, nếu chúng ta không mua bán, có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội 5-10% chỉ trong ba phiên, hay thậm chí 100% trong một tháng.
Chúng ta thường tiếc về những thứ không thuộc về mình, thay vì biết ơn vì đã tránh được những trường hợp xấu. Ở đây còn có một hội chứng, gọi là hội chứng”suýt bỏ lỡ”.
Cũng giống như xổ số, bạn có cảm giác của việc sắp sửa chiến thắng và muốn thử lại lần nữa, dù xác suất là rất nhỏ nhoi. Rất tiếc, dù thị trường chỉ có 10 mã/1000 mã sinh lãi trong một giai đoạn nào đó, chúng ta thường nhìn 10 mã đó với sự nuối tiếc, thay vì nhìn vào tỷ lệ 1%.
Hiểu sai về giá trị
Năm 2010, PVA là trường hợp kinh điển của thị trường chứng khoán, khi giá tăng từ 12.000 lên 120.000 với thông tin lợi nhuận đột biến. Nhiều người đã kiếm được tiền ngắn hạn, nhưng sau đó lại nắm giữ khi cổ phiếu sụt giảm, vì tin rằng hoạt động cơ bản sẽ cải thiện và giá trị đích thực của PVA cao hơn mức họ mua nhiều lần.
Nên nhớ, giá trị của doanh nghiệp nằm ở ban lãnh đạo và tài sản, không phải lợi nhuận. Lợi nhuận là thứ có thể "xào nấu" được, tài sản thì phải tích lũy. Tài sản ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, nó có thể là lợi thế về công nghệ, lợi thế về quyền áp đặt giá, tài sản trí tuệ hay tài sản về thương hiệu.
Một ban lãnh đạo tốt, vì cổ đông + tài sản tốt sẽ sinh ra lợi nhuận tốt và bền vững. Đây mới là yếu tố thu hút sự quan tâm của dòng tiền lớn, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của giá cổ phiếu.
Còn trên thị trường, chúng ta giải thích yếu tố tốt dựa trên con số ngắn hạn, điều rất phổ biến trên F319 hay các room chứng khoán, ví dụ như một cổ phiếu có PE thấp hay lợi nhuận đột biến, để tự huyễn hoặc mình rằng đội lái sẽ đưa cổ phiếu về đúng giá trị của nó.
Tin rằng: một cổ phiếu tăng giá là cơ hội cho tất cả mọi người
Thị trường chứng khoán cho ta ảo giác tất cả mọi người tham gia đều bình đẳng như nhau. Chúng ta có quyền mua bất kỳ cổ phiếu nào, bán bất kỳ khi nào và mọi cơ hội tăng giá trên thị trường đều là của chúng ta.
cũng giống như poker, sự khác biệt sẽ nằm ở số chip nắm giữ, vị trí ngồi trên bàn và hand bài cầm trên tay.
Nhà đầu tư khó phân biệt được, đâu là cơ hội dành cho mình, đâu là cơ hội phải bỏ qua, và thường có ý chí tham gia vào bất cứ cơ hội nào nghe được.
Bạn có chắc sẽ bỏ qua một cổ phiếu mà bạn mình đã kiếm được 40-50% và vẫn tăng giá tiếp? Đó chính là điều tệ nhất của thị trường chứng khoán: Khi lòng tham chi phối nỗi sợ hãi.