Vì sao 1 bức tượng có thể thổi bùng đụng độ ở Virginia?

Diệu Hương |

Cuộc tuần hành phản đối việc di rời bức tượng Tướng Robert E. Lee đã dẫn tới đụng độ đẫm máu ở Virginia ngày 12/8 làm chao đảo nước Mỹ.

Robert E. Lee (1807 – 1870) là Đại tướng thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865) nhưng sau thất bại của phe phản đối việc xóa bỏ chế độ nô lệ, “người hùng miền Nam” này biến thành biểu tượng phân biệt chủng tộc. Các sử gia cho rằng, sự chuyển đổi quan niệm về Robert E. Lee cũng phản ánh thay đổi tâm trạng trong lòng nước Mỹ về chủng tộc và hòa hợp dân tộc.

Gần 150 năm sau ngày mất của Robert E. Lee, vị tướng này lại trở thành “tâm điểm” của các vụ đụng độ tại Charlottesville, Virginia.

Một nhóm người da trắng theo chủ nghĩa dân túy đã lên kế hoạch tuần hành mang tên “Đoàn kết phe cánh hữu” (Unite the Right) để phản đối việc di dời bức tượng Robert E. Lee. Cuộc tuần hành vấp phải sự phản đối của những người chống phân biệt chủng tộc và đụng độ giữa 2 bên đã dẫn tới đổ máu.

Những đài tưởng niệm Robert E. Lee hay trường học mang tên ông được dựng lên vào cuối thế kỷ 20 đang bị xem lại khi có những thay đổi nhân khẩu học ở Mỹ. Vậy Robert E. Lee rút cuộc là ai và tại sao ban đầu tượng đài tôn vinh ông lại được dựng lên?

Một chiến binh

Robert E. Lee là con trai của một anh hùng trong cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa ở Bắc Mỹ chống lại đế quốc Anh (Cách mạng Mỹ). Ông tốt nghiệp thứ hai trong lớp tại học viện quân sự danh tiếng West Point và đã tạo được thanh thế qua nhiều trận đánh suốt cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico.

Khi căng thẳng leo thang vì 11 tiểu bang miền Nam phản đối dự luật bãi bỏ chế độ nô lệ quyết định li khai, người thầy cũ của Lee là Tướng Winfield Scott đã đề nghị ông lãnh đạo lực lượng Liên minh miền Bắc chống Liên minh miền Nam nhưng Lee từ chối vì không muốn phản lại quê nhà Virginia.

Lee nhận làm lãnh đạo lực lượng Liên minh miền Nam dù khi đó ông còn khá ít kinh nghiệm lãnh đạo quân đội. Ông phải chật vật nhưng cuối cùng cũng trở thành một vị tướng của quân đội Liên minh miền Nam và giành được nhiều chiến thắng trước Tướng George McClellan, người kế nhiệm Tướng Winfield Scott, nhưng chủ yếu do Thiếu tướng của Liên bang miền Bắc bị cho là kém cỏi hơn ông.

Lee có thể đã thắng thêm nhiều trận đánh quan trọng khác trước Liên minh miền Bắc nhưng ông đã sa lầy và bị đánh bại trong trận chiến nổi tiếng ở Gettysburg bởi Thiếu tướng George Meade. Các sử gia cho rằng việc Lee dùng bộ binh tấn công trên một vùng đồng bằng rộng lớn là một sai lầm trầm trọng trong kỷ nguyên pháo binh và súng trường.

Chỉ vài tuần sau khi trở thành Đại tướng thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam, Lee đầu hàng miền Bắc ngay tại bang quê nhà Virginia ngày 9/4/1865.

Một người sở hữu nô lệ

Robert E. Lee không giàu có nhưng ông thừa kế một vài nô lệ từ mẹ của mình. Ông cưới con gái của một trong những gia đình có nhiều nô lệ nhất ở Virginia lúc bấy giờ. Khi cha vợ mất, ông tạm rời quân ngũ để điều hành cơ ngơi này và vấp phải sự kháng cự của những nô lệ mơ ước được tự do.

Nhiều tài liệu cho thấy Robert E. Lee rất tàn nhẫn với nô lệ của mình và thường cho các đốc công đánh đập dã man những nô lệ bị bắt trở lại khi chạy trốn.

Trong một bức thư năm 1856, Lee viết rằng chế độ nô lệ là "một con quỷ đạo đức và chính trị", nhưng ông cũng tin rằng Chúa trời mới là người chịu trách nhiệm về sự giải phóng, đồng thời cho là người da đen được sống ở Mỹ là còn tốt hơn là ở châu Phi.

Một biểu tượng cho quan điểm xét lại nội chiến Mỹ

Sau cuộc nội chiến, Lee từ chối những gợi ý xây tượng đài tôn vinh ông, thay vào đó muốn đất nước hàn gắn sau chiến tranh.

Nhưng sau khi ông mất, phe miền Nam thông qua quan điểm xét lại về cuộc nội chiến, gọi văn bản này là "The Lost Cause", trong đó lập luận rằng nguyên nhân nội chiến không phải vì vấn đề sở hữu nô lệ mà do tranh cãi lý tưởng về Hiến pháp.

Quan điểm xét lại đó ngày càng phổ biến và những người ủng hộ nó thúc đẩy việc tưởng nhớ Robert E. Lee, bỏ qua những thiếu sót của ông với tư cách là một vị tướng cũng như một người sở hữu nô lệ.

Các tượng đài tôn vinh Lee vì thế được dựng lên từ những năm 1920, trong đó có tượng đài ở Charlottesville, Virginia, xây năm 1924. Một năm sau đó, Quốc hội Mỹ thông qua việc dùng ngân sách liên bang tu sửa dinh tự của gia đình Robert E. Lee. Mỹ cũng cho ra đời đồng xu tôn vinh ông và Robert E. Lee xuất hiện trên 5 con tem. Không có nhân vật nào của phe miền Bắc được vinh danh như thế, trừ Tổng thống Abraham Lincoln, người đưa ra dự luật bãi bỏ chế độ nô lệ.

Một ký ức mới

Một thế hệ sau phong trào dân quyền ở Mỹ, những người da đen và gốc Mỹ Latinh bắt đầu tạo áp lực buộc các cơ quan chức năng dỡ bỏ các tượng đài tôn vinh Robert E. Lee cũng như các đài tưởng niệm khác liên quan tới Liên minh miền Nam ở những nơi như New Orleans, Houston, Nam Carolina…

Những yêu cầu dỡ bỏ đó chủ yếu là vì những hành vi bạo lực của một số người mang tư tưởng da trắng thượng đẳng. Trong khi đó, các sử gia cũng đặt lại vấn đề với những lập luận trong The Lost Cause.

Năm 2015, Hội đồng thành phố New Orleans đã bỏ phiếu dỡ bỏ tượng Robert E. Lee. Năm 2016, trường Trung học Robert E. Lee, nơi có nhiều học sinh gốc Mỹ Latinh, cũng được đổi tên thành trường trung học Margaret Long Wisdom.

Việc dỡ bỏ tượng Robert E. Lee ở Charlottesville đã được Hội đồng thành phố này bỏ phiếu thông qua từ đầu năm nay nhưng động thái này vấp phải đơn kiện của một số người phản đối, chủ yếu là những người mang tư tưởng da trắng thượng đẳng vẫn tôn sùng ông cũng như Liên minh miền Nam.

Hậu quả của những tranh cãi không hồi kết là cuộc tuần hành dẫn tới đụng độ đẫm máu ở ngày 12/8 làm 3 người chết và 19 người bị thương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại