Chỉ cần lái xe một giờ từ phía bắc thành phố San Francisco, bạn sẽ thấy những ngọn đồi thoải ở hạt Sonoma - một trong những vùng trồng nho hàng đầu thế giới trong hơn một thế kỷ.
Nhiều cây nho đầu tiên của khu vực đã được trồng vào giữa những năm 1850 bởi người định cư từ châu Âu, những người đã muốn thử nghiệm giống nho từ các vùng rượu vang nổi tiếng ở Pháp và Đức. Nhưng ngành trồng nho của California lại giành được sự ghi nhận, nhờ một người nhập cư Nhật Bản tên là Kanaye Nagasawa.
Kanaye Nagasawa
Rời bỏ khỏi quê hương vì một nhiệm vụ bí mật, ông Kanaye Nagasawa đã trở thành cư dân Nhật Bản đầu tiên của Mỹ và giúp khai sinh ngành công nghiệp rượu vang của bang California. Ở thời hoàng kim của mình vào đầu thế kỷ 20, ông điều hành một trong những nhà máy rượu vang lớn nhất ở California, sản xuất hơn 760 nghìn lít rượu mỗi năm từ những vườn nho của điền trang Fountaingrove rộng tới 8km2 ở thành phố Santa Rosa.
“Vua rượu” đã giúp nhà thực vật học nổi tiếng người Mỹ Luther Burbank dạy nghề làm vườn; tham vấn với các chức sắc Nhật Bản quốc tế; và tiếp những vị khách như Thomas Edison, Henry Ford, John Muir tại điền trang Sonoma xa hoa của ông.
Tuy nhiên, ông Nagasawa hầu như đã bị lãng quên cho tới khi hai người trồng nho địa phương Walter và Marijke Byck mua đất kế bên điền trang Fountaingrove cũ. Trong quá trình nghiên cứu lịch sử của khu vực này, họ phát hiện ra một di sản phức tạp của những chiến thắng, định kiến và mất mát.
“Mẹ tôi muốn khôi phục di sản của vùng đất chúng tôi, và khi biết về ông Nagasawa, bà muốn kể câu chuyện tuyệt vời này về một nhân vật lịch sử quan trọng ở hạt Sonoma mà không mấy ai biết tới”, anh Rene Byck, con trai bà Marijke và chủ sở hữu nhà máy rượu vang Paradise Ridge, cho biết.
Vào năm 1996, trong nhà máy rượu nhỏ của gia đình Bycks, một triển lãm về ông Nagasawa đã ra mắt với sự giúp đỡ của Bảo tàng Hạt Sonoma và hậu duệ của ông, ông Kosuke Ijichi, bà Amy Mori và các con của họ. Những bức ảnh chụp ông Nagasawa cùng gia đình và hoạt động của nhà máy rượu vang thời ông được trưng bày khắp các bức tường.
Điểm nhấn của triển lãm là một thanh kiếm samurai dài mà ông Nagasawa đã mang về từ Nhật Bản sau một chuyến thăm nhà. “Thanh kiếm đó rất quan trọng với cụ Nagasawa vì khi sang Mỹ, họ buộc phải cắt tóc và từ bỏ thanh kiếm của mình”, cô Mary Ijichi, chắt của ông Nagasawa, nói. “Nhưng cha tôi kể rằng cụ ấy đã nói với con cháu: “Học vấn sẽ là thanh gươm của chúng ta”.
Câu chuyện phi thường của ông Nagasawa bắt đầu từ năm 1864, khi 19 samurai trẻ tuổi từ bán đảo Satsuma của thành phố Kagoshima được đưa ra khỏi Nhật Bản để thực hiện một nhiệm vụ bí mật, đó là nghiên cứu khoa học và công nghệ phương Tây. Người trẻ nhất trong nhóm, Hikosuke Isonaga, 13 tuổi, đã đến Scotland và đổi tên thành Kanaye Nagasawa để bảo vệ gia đình mình, vì việc đi ra ngoài Nhật Bản là bất hợp pháp vào thời bấy giờ. Ở đó, ông bước vào tầm ngắm của một nhà lãnh đạo tôn giáo tên là Thomas Lake Harris, người đang tuyển mộ những thành viên mới vào một giáo phái của ông có tên là The Brotherhood of the New Life (Tình Anh em của Đời sống Mới).
Ông Harris đã đưa ông Nagasawa và một số samurai khác đến ngoại ô New York, nơi ông thành lập một công xã trên bờ hồ Erie. Khi ông Harris quyết định chuyển cộng đồng đến một vùng nông thôn rộng 2,4km 2 ở phía tây hạt Sonoma vào năm 1875, ông Nagasawa, lúc đó 25 tuổi, đã đi cùng.
“Tôi nghĩ Harris giống như một người cha đối với cụ”, cô Karen Ijichi Perkins, em gái của cô Mary, nói. “Cụ đã rời Nhật Bản khi còn quá trẻ và không có bất kỳ gia đình nào ở Mỹ, vì vậy Harris là tất cả những gì cụ ấy có”.
Đặt tên cho điền trang là Fountaingrove, ông Harris bắt đầu trồng nho và giao cho ông Nagasawa phụ trách điều hành hoạt động. Nhà máy rượu nhanh chóng làm ăn phát đạt, nhưng “Vườn địa đàng miền Tây”, như chính cộng đồng tự mô tả, bắt đầu gây tai tiếng ở San Francisco hơn bao giờ hết, với những bữa tiệc hoan lạc mà cuối cùng dẫn đến sự ra đi ô nhục của ông Harris.
Sau khi ông Harris ra đi, ông Nagasawa nắm quyền sở hữu khu đất và thăng tiến nhanh chóng để trở thành một nhân vật được kính trọng và có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp rượu còn non trẻ của bang. Ông cũng trở thành công dân Nhật Bản đầu tiên định cư lâu dài tại Mỹ.
“Ông thường cưỡi ngựa đến tất cả các vườn nho và trang trại để đưa ra lời khuyên về việc trồng nho và các loại cây khác”, bà Gaye LeBaron, đồng tác giả của cuốn sách The Wonder Seekers of Fountaingrove (Những người tìm kiếm phép màu ở Fountaingrove), cho biết, “Người dân thị trấn ngưỡng mộ ông”.
“Ông đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp rượu vang California, với tư cách là người đầu tiên tiếp thị rượu vang của chúng tôi tới Anh và châu Âu”, bà LeBaron nói thêm, đồng thời nói thêm rằng ông Nagasawa đã được trao tặng Huân chương Chiến công bởi hoàng đế Nhật Bản vào năm 1915.
Thế nhưng tất cả điều này đã kết thúc vào một trong những chương đen tối nhất của lịch sử California, khi Fountaingrove bị chính quyền tịch thu như một phần của Luật đất đai mang tính phân biệt đối xử của bang, theo đó công dân châu Á bị cấm sở hữu đất đai hoặc các doanh nghiệp. Bởi vì không có con và chưa bao giờ kết hôn, ông Nagasawa đã cố gắng giữ tài sản trong gia đình bằng cách để lại nó cho cháu trai của mình là ông Kosuke Ijichi, người sinh ra trong điền trang và là công dân Mỹ. Nhưng sau cái chết của ông Nagasawa vào năm 1934, ông Kosuke chưa đủ tuổi và người được bảo trợ đã nhanh chóng nắm quyền kiểm soát và bán hết mảnh đất.
Ông Nagasawa từng đi khắp vùng để dạy những người dân khác cách trồng nho.
Năm 1942, tổng thống Franklin Roosevelt đã ký Sắc lệnh 9066, ra lệnh loại bỏ “kẻ thù ngoại lai” người Mỹ gốc Nhật. Những người thừa kế Nagasawa, vẫn đang chống lại việc chiếm đoạt tài sản trước tòa, đã bị tống giam trong các trại tập trung. Và giống như khoảng 125.000 người Mỹ gốc Nhật khác, họ bị cầm tù cho đến sau khi Thế chiến II kết thúc, gia đình đã mất mọi cơ hội đòi lại tài sản.
“Ông ấy đã phải chịu đựng hai lần mất mát dưới bàn tay của chính phủ, vì vậy nếu ông có chút cay đắng thì đó là điều dễ hiểu”, cô Perkins nói về cha của cô, ông Kosuke. “Nhưng tôi không nghĩ ông muốn truyền đạt lại điều đó cho chúng tôi”.
Trên thực tế, hồi còn nhỏ, những đứa trẻ của gia đình Ijichi biết rất ít về di sản của gia đình. “Tôi nghĩ cha tôi đã kìm nén cảm xúc thật của mình về chuyện này”, cô Mary nói. “Tất cả chúng tôi đều biết đây là nơi cha tôi và dì tôi lớn lên, nhưng chúng tôi không thực sự biết toàn bộ câu chuyện”.
Mãi đến cuối những năm 1970, câu chuyện về ông Nagasawa mới bắt đầu trở lại, ít nhất là trong cộng đồng địa phương, khi bà LeBaron bắt đầu đưa tin về nó cho tờ báo Santa Rosa. Đồng thời, các nhà đài Nhật Bản đã đến để quay phim tài liệu về di sản tập thể của 19 sinh viên samurai Kagoshima, nhiều người trong số họ đã trở thành những nhân vật nổi bật trong chính phủ và ngành công nghiệp sau khi trở về Nhật Bản.
Ông Kanaye Nagasawa cùng các cháu.
Chính triển lãm Paradise Ridge đã giúp những người thừa kế Nagasawa bắt đầu kể lại câu chuyện của họ. “Những người nhập cư Nhật Bản đứng đằng sau sự khởi đầu của rất nhiều ngành nông nghiệp ở California, như là “Vua khoai tây”, “Vua tỏi”, và tất nhiên là cả “Vua rượu vang”, nhà sáng lập đồn điền trà Nao Magami nói, đề cập đến George Shima, người nhờ những vụ thu hoạch khoai tây khổng lồ đã trở thành triệu phú người Mỹ gốc Nhật đầu tiên, và Kiyoshi Hirasaki, nhà sản xuất tỏi lớn nhất của đất nước.
“Nhưng khi họ bị đưa đến các trại giam trong Thế chiến II, tất cả những câu chuyện đó đã bị quên lãng. Bây giờ chúng tôi đang cố gắng tìm lại di sản của những người tiên phong đầu tiên ở California này”.
Ngay phía trên Paradise Ridge, thành phố Santa Rosa đã thành lập Công viên Cộng đồng Nagasawa vào năm 2007, với lễ khai trương có sự tham dự của nhiều thành viên gia đình Nagasawa. Gia đình ông đã đặt một văn bia ở công viên, trên đó cuộc đời ông được tóm gọn trong năm từ: “Tinh thần Samurai ở California”.