Ông chính là vua Lê Tương Dực (1495 - 1516) tên húy Lê Oanh, vị vua thứ 9 của nhà Hậu Lê.
Những ngày đầu mới lên ngôi, vua vẫn nghe lời phải trái, chăm lo trị nước, được coi là có công với đất nước. Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về Lê Tương Dực: “Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp".
Những việc làm ích lợi, đáng khen ngợi của Lê Tương Dực ở giai đoạn đầu làm vua có thể kể đến như: đề cao sự hiếu nghĩa, chủ động trong đối ngoại với phương Bắc và với các quốc gia ở phương Nam. Vua rất cứng rắn trong việc giữ gìn nội trị, sai quân đánh dẹp, thậm chí có lần còn trực tiếp chỉ huy việc bình định phản loạn, khôi phục, ổn định địa phương.
Tuy nhiên về sau vua càng sa đọa. Ông thường gian dâm với các cung nhân, thậm chí với cả vợ lẽ của cha. Đó là một trong những lý do khiến ông bị người đời gọi là "vua lợn".
Năm 1513, khi sứ thần nhà Minh sang Đại Việt, nhìn thấy vua Lê Tương Dực liền quay sang nói với người đồng hành rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu".
Bàn về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:
“Trước đây, vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang. Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền chơi trên Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm.
Dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười”.
Đến nay các nhà sử gia đều đưa ra nhận định, vua Lê Tương Dực là người thông minh, có tài nhưng tiếc rằng sớm thỏa mãn với những thành tựu đạt được để rồi sớm sa vào hưởng lạc, thích xây dựng nhiều công trình to lớn làm tổn hao ngân khố, kiệt quệ sức dân dẫn đến cơ nghiệp sụp đổ.