Vi phạm bản quyền trực tuyến ở Việt Nam giảm 50%

Duy Vũ |

Lượng truy cập vào các trang bất hợp pháp ở Việt Nam đã giảm gần 50% vào năm 2021. Trong giai đoạn này, lượng truy cập vào các trang web hợp pháp đã tăng lên đáng kể.

Vi phạm bản quyền ở Việt Nam giảm 50%

Theo ông Matthew Cheetham, Giám đốc Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP), trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề vi phạm bản quyền trực tuyến trên các nội dung giải trí tăng đột biến. Tình trạng này khiến các chủ thể sở hữu bản quyền đều bị ảnh hưởng và họ phải luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ nội dung mà họ sản xuất và phân phối.

Vi phạm bản quyền trực tuyến ở Việt Nam giảm 50% - Ảnh 1.

Ông Matthew Cheetham, Giám đốc Liên minh chống vi phạm bản quyền

Tại Việt Nam, ông Matthew Cheetham đánh giá vi phạm bản quyền trực tuyến trong vài năm qua đã giảm đáng kể. Lượng truy cập vào các trang bất hợp pháp mà Liên minh chống vi phạm bản quyền theo dõi ở Việt Nam đã giảm gần 50% vào năm 2021. Đặc biệt, trong giai đoạn này, lượng truy cập vào các trang web hợp pháp đã tăng lên.“Điều quan trọng là các chủ sở hữu bản quyền cần hợp tác với nhau để tạo nên một ngành công nghiệp riêng, đồng thời làm việc với chính phủ để giải quyết vấn đề ăn cắp nội dung trực tuyến”, Matthew Cheethamn nói.

“Việt Nam đang có những tiến bộ đáng khích lệ để triển khai các biện pháp chặn linh hoạt và chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ tiếp tục được triển khai”.

Thực tế, các hoạt động chặn DNS đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2021, giúp làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền.

Ông Kevin Plumb, Giám đốc pháp lý Ngoại Hạng Anh cho hay, chặn DNS là một công cụ quan trọng trong công cuộc phòng chống và ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền mở ra ở Việt Nam. “Chẳng hạn, việc chặn DNS cho phép K+ khoanh vùng các tên miền vi phạm bản quyền xem được các nội dung của Ngoại hạng Anh phổ biến nhất. Sau đó gây khó khăn cho người dùng trong việc tìm kiếm các nội dung vi phạm, từ đó tạo ra một trải nghiệm không mấy dễ chịu cho họ”, ông Kevin Plumb nói.

Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, việc chặn DNS chỉ là một phần trong chiến lược và nó sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi được kết hợp với các chiến lược khác bao gồm áp dụng công nghệ, làm gián đoạn, giáo dục và thực hiện các hành động pháp lý.

Vai trò của Chính phủ trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền

Chia sẻ về kế hoạch nhằm giải quyết nạn ăn cắp nội dung trực tuyến ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Matthew Cheetham cho biết, trọng điểm là việc xác định các nguồn đánh cắp nội dung trực tuyến và tác động khi thực hiện những hành động ngăn chặn hành hành vi vi phạm.

Vi phạm bản quyền trực tuyến ở Việt Nam giảm 50% - Ảnh 3.

Không giải pháp nào có thể chặn hoàn toàn được vi phạm bản quyền. Ảnh minh họa: Internet


Những phát hiện này giúp thúc đẩy các chiến lược khác nhau của CAP thực hiện trong khu vực, trong đó, việc chặn trang web là hoạt động chiến lược ở nhiều quốc gia. “Tại Việt Nam, chúng tôi hợp tác với đối tác nội địa là K+ và VCA nhằm triển khai các đợt chặn hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp nội dung”, Matthew Cheetham nói.

Tổ chức này có một hệ thống toàn diện để giám sát hiệu quả của bất kỳ đợt chặn nào được thực hiện ở trong khu vực. Lãnh đạo CAP cho biết, đang làm việc với các chủ sở hữu bản quyền (chẳng hạn như K+) để cung cấp dữ liệu để các bên liên quan vừa ngăn chặn hành vi đánh cắp nội dung trực tuyến, vừa đảm bảo sự phát triển của các trang web hợp pháp.

Tuy nhiên, Giám đốc Liên minh chống vi phạm bản quyền cũng tin rằng không có một giải pháp nào có thể chặn hoàn toàn việc đánh cắp nội dung trực tuyến.

Các chủ sở hữu bản quyền phải phát triển và tận dụng các công cụ, bao gồm việc xác định các nguồn đánh cắp nội dung trực tuyến và đưa ra các hành động chống lại chúng, trong đó có việc chặn các trang web.

“Chính phủ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các chủ sở hữu bản quyền cũng như hỗ trợ tuyên truyền cho người truy cập/người sử dụng về sự ảnh hưởng và những rủi ro liên quan đến việc đánh cắp nội dung trực tuyến”, vị này nói.

Vi phạm bản quyền trực tuyến ở Việt Nam giảm 50% - Ảnh 4.

Ông Kevin Plumb, Giám đốc pháp lý Ngoại Hạng Anh


Cùng ý kiến, ông Kevin Plumb cũng nhấn mạnh tới vai trò của Chính phủ. Theo đó, vị này cho rằng để được trang bị tốt nhất cho cuộc chiến chống vi phạm bản quyền, các chủ sở hữu cần tiếp cận một chế độ chặn nhanh chóng và hiệu quả, một khung pháp lý rõ ràng và một cơ quan thực thi pháp luật nhiệt thành, sẵn sàng làm việc cùng nhau. Điều này có vẻ như đang bắt đầu diễn ra ở Việt Nam.

“Chúng tôi hi vọng có thể làm việc với cơ quan thực thi pháp luật để đưa ra các hành động pháp lý đủ vững vàng nhằm chống lại những cá nhân đang vận hành các trang web và các hoạt động xâm phạm bản quyền”, Kevin Plumb chia sẻ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại