Mỹ - Canada căng thẳng gay gắt sau thượng đỉnh G7, Châu Âu chỉ trích ông Trump

Tất Đạt |

Việc ông Trump rút khỏi tuyên bố chung G7 đã làm tổn hại nghiêm trọng sự đồng thuận hiếm hoi cuối cùng trong mâu thuẫn thương mại giữa Washington và các đồng minh quan trọng nhất.

Mỹ bị "đâm sau lưng"

Mỹ và Canada đang có trải qua cuộc khủng hoảng ngoại giao và thương mại sâu sắc khi ngày hôm qua (10/6), các cố vấn cấp cao Nhà Trắng đã chỉ trích gay gắt Thủ tướng Justin Trudeau, một ngày sau khi tổng thống Trump gọi ông Trudeau là "rất không trung thực và yếu đuối".

Trong khi đó, Đức và Pháp cũng nói ông Trump đã "hủy hoại niềm tin" và "hành động bất nhất" khi đột ngột rút khỏi tuyên bố chung của G7.

"Canada không thực hiện chính sách ngoại giao bằng hình thức tấn công theo cảm tính... và chúng tôi đặc biệt hạn chế hành động cảm tính đối với đồng minh thân cận," Ngoại trưởng Canada Chrystia Freenland nói.

Bà Freeland khẳng định Canada sẽ trả đũa thuế quan từ Mỹ một cách công bằng và "có qua có lại", nhưng Canada vẫn luôn sẵn sàng đối thoại.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cáo buộc ông Trudeau "phản bội" ông Trump vì những phát ngôn có tính "phân cực" chính sách giao thương, làm tổn hại tới hình ảnh của tổng thống Mỹ trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Mỹ - Canada căng thẳng gay gắt sau thượng đỉnh G7, Châu Âu chỉ trích ông Trump - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freenland. Ảnh: REUTERS

Ông Trump đã tới Singapore vào ngày 10/6 để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt có khả năng đặt nền tảng cho việc kết thúc mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên.

"Ông Trudeau thực sự đã đâm sau lưng chúng tôi," ông Kudlow - giám đốc Ủy ban Kinh tế Quốc gia - nói trên CNN.

Ông Trudeau, hiện đang ở thành phố Quebec để gặp mặt song phương với các lãnh đạo không thuộc khối G7, không bình luận thêm về những nhận xét nói trên.

Mặt khác, ông Trudeau nhận được nhiều hỗ trợ cá nhân từ các lãnh đạo châu Âu.

Theo nguồn tin từ quan chức cấp cao chính phủ Anh, Thủ tướng Anh Theresa May "ủng hộ hoàn toàn" ông Trudeau và cách lãnh đạo của ông.

Khi được hỏi về sự ủng hộ từ các đồng minh, bà Freeland nói: "Vị trí của Canada cũng tương tự như các nước đồng minh châu Âu và Nhật Bản. Chúng tôi đang cộng tác rất chặt chẽ với Liên minh Châu Âu (EU), với Mexico, trong việc đáp trả hành động của Mỹ."

Nói rất lấy làm tiếc vì quyết định rút khỏi tuyên bố chung G7 của ông Trump, bà Angela Merkel khẳng định châu Âu sẽ áp dụng các phương thức trả đũa đối với hàng rào thuế quan của Mỹ về thép và nhôm.

Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Canada đều tới Mỹ. Do đó, Canada sẽ chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Mối quan ngại sâu sắc với G7

Việc ông Trump rút khỏi tuyên bố chung G7 đã làm tổn hại nghiêm trọng sự đồng thuận hiếm hoi cuối cùng trong mâu thuẫn thương mại giữa Washington và các đồng minh quan trọng nhất.

"G7 là diễn đàn dành cho những người bạn - các nền dân chủ có cùng hệ thống giá trị - để thảo luận về vấn đề lợi ích chung. Nhưng hiện tại mọi chuyện không còn như vậy nữa. Vấn đề không xuất phát từ nội bộ G7, mà từ cuộc bầu cử của tổng thống Donald Trump," một quan chức châu Âu nói.

Ông Trump nói ông sẵn sàng "ra đòn" quyết liệt hơn với thuế nhập khẩu vào ngành công nghiệp ô tô, làm xáo trộn nỗ lực hợp tác của các nước còn lại ở G7.

"Chỉ trong vòng vài giây, ông ấy có thể phá vỡ niềm tin của các quốc gia chỉ bằng 280 kí tự trên Twitter," Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói.

Văn phòng tổng thống Pháp cho biết Pháp vẫn sát cánh cùng G7.

Ông Trump đã khiến EU, Canada và Mexico tức giận sau khi tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm.

"Đây là mối quan ngại với G7. Tôi không biết mọi chuyện sẽ đi về đâu. Thật khó tưởng tượng được ông Trump sẽ làm gì tiếp," một quan chức cấp cao của G7 nói về kết quả của kì thượng đỉnh.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bày tỏ đã tới lúc các quốc gia G20 tham gia và "đem lại lợi ích nhất định cho những nước then chốt".

"G20 có nhiều quốc gia với tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, bao gồm G7," ông nói.

Bà Freeland tin rằng vẫn có thể đạt được thỏa thuận để cải thiện Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

"Chúng tôi tin rằng hoàn toàn có thể cải thiện NAFTA, và các bên sẽ đều đạt được lợi ích chung," bà nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại