Đằng sau câu chuyện giải mã DNA chứng minh quan hệ huyết thống , có nhiều hy vọng và cũng có nhiều thất vọng. Câu chuyện người phụ nữ ở Chiết Giang, Trung Quốc đi xét nghiệm để tìm cha cho con mình quả thực khiến người ta phải cẩn trọng hơn khi muốn thực hiện việc này.
Một người phụ nữ trẻ bước vào Trung tâm giám định pháp y Trung Hòa, Chiết Giang với vẻ mặt bất an. Cô Tiêu (đã thay đổi họ) ngồi chờ trong phòng và giám đốc trung tâm, Vương Húc Phương đã tiếp đón cô.
Cô Tiêu nói với giám đốc Vương rằng cô có một đứa con nhưng không biết cha ruột đứa bé là ai vì cô đã quan hệ cùng lúc với hai người đàn ông, sau đó mang thai.
Nhiều người tìm đến dịch vụ xét nghiệm quan hệ cha con để tìm sự thật.
Trước đó không lâu, cô Tiêu thấy quảng cáo trên Internet một cơ quan giám định ở Quảng Đông đã thành lập điểm tiếp nhận hồ sơ tại một bệnh viện ở Ninh Ba. Cô đã bí mật lấy một trong những chiếc bàn chải đánh răng của bạn trai và tóc của đứa trẻ rồi gửi chúng làm mẫu để xét nghiệm quan hệ cha con. Nhân viên cho biết các mẫu sẽ được gửi đến Quảng Đông để xét nghiệm.
Tuy vậy, cô Tiêu vẫn cảm thấy bất an nên đã đến Trung tâm giám định Trung Hòa để giám định. Sau vài ngày, bên trung tâm đã đưa ra kết quả, chủ nhân của mẫu gửi đi xét nghiệm chính là cha ruột của đứa trẻ.
Nhưng hai ngày sau đó, cô Tiêu lại đến, cô nói rằng hồ sơ do bên Quảng Đông gửi về đã loại trừ khả năng mối quan hệ huyết thống giữa bạn trai cô và đứa trẻ. Đồng thời khuyên cô nên lấy mẫu DNA thứ hai từ cơ thể để xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm nhiều khi khiến người ta sống trong lo lắng.
Cô Tiêu tỏ ra rất bất an, cô đặt câu hỏi rằng: “Vì sao trung tâm bên Quảng Đông lại đưa ra kết luận loại trừ, tại sao vẫn cần tôi gửi mẫu đi xét nghiệm?”.
Lúc này, Giám đốc Vương Húc Phương lên tiếng: “Điều này rất có thể do họ không trích xuất DNA từ bàn chải đánh răng, bởi vì bàn chải đánh răng là vật liệu thử nghiệm khó và không dễ dàng trích xuất thông tin như tóc và máu. Nếu như bàn chải đó nhiều người sử dụng thì càng không chính xác”.
Đối mặt với 2 kết quả khác nhau, cô Tiêu càng trở nên đau khổ hơn. Vì vậy, cô lại mang tóc của bạn trai đến Trung tâm Trung Hòa để giám định. Kết luận vẫn như ban đầu, đứa trẻ quả thực là con của bạn trai cô.
Các chuyên gia phân tích mẫu cũng cho rằng trung tâm giám định kia rất vô trách nhiệm. Ngay cả khi không trích xuất được DNA của bàn chải đánh răng thì mẹ đứa trẻ cũng phải được biết sự thật thay vì trực tiếp đưa ra kết quả loại trừ.
Giám đốc Vương cũng nói rằng, nhiều năm trong nghề cho thấy, để thực hiện lợi nhuận, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm sinh học, các công ty công nghệ dưới vỏ bọc trung tâm nhận dạng từ các địa phương tham gia vào dịch vụ xét nghiệm quan hệ cha con và tiến hành xét nghiệm bằng cách gửi mẫu từ xa. Điều này dễ xảy ra sai sót.
Với trường hợp của cô Tiêu, nếu theo kết quả của trung tâm ở Quảng Đông thì con trai không phải là con của bạn trai hiện tại mà là con của bạn trai kia. Nếu không xác minh lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.