Pháp: Không ai được triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/3 tuyên bố ông và người đồng cấp Belarus Alexandr Lukashenko đã nhất trí về việc Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở trên lãnh thổ quốc gia láng giềng thân thiết, chứ không phải Nga chuyển giao vũ khí hạt nhân của mình cho Belarus
Theo kế hoạch này, Nga đã triển khai công tác huấn luyện lực lượng sẽ chịu trách nhiệm sử dụng vũ khí hạt nhân ở Belarus, đồng thời triển khai cơ sở hạ tầng cần thiết. Theo kế hoạch, việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ hoàn thành vào ngày 01/7 năm nay.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái gây sốc của Nga là một phản ứng đối với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Ngoài việc đối phó với sự bành trướng của NATO, việc Nga đưa tên lửa hạt nhân sang quốc gia đồng minh cũng là nhằm đáp trả việc Anh cung cấp đạn có chứa uranium nghèo cho Ukraine.
Bình luận về động thái của Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, “không quốc gia nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào” có thể triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài.
“Pháp cho rằng, vũ khí hạt nhân cần được loại trừ hoàn toàn khỏi cuộc xung đột ở Ukraine. Trong mọi trường hợp, vũ khí hạt nhân không thể được triển khai bên ngoài lãnh thổ của một cường quốc hạt nhân, đặc biệt là ở châu Âu” - ông Macron nói trong cuộc họp báo được phát trong tài khoản chính thức của Điện Elysee trên Twitter.
Ông tuyên bố rằng, quyết định triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus là “không thể thích hợp” với các nghĩa vụ của nước này theo luật pháp quốc tế.
Mỹ đang cất trữ 150 quả bom hạt nhân ở châu Âu
Trước đó, Moscow và Minsk tuyên bố rằng, động thái này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế. Nga mà chỉ làm những gì phía Mỹ đã làm trong suốt cả thập kỷ qua là cất trữ vũ khí hạt nhân tại các căn cứ NATO ở châu Âu và sẵn sàng lắp chúng lên các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và đồng minh.
Giới chức Moscow nhấn mạnh, việc Nga làm cũng tương tự việc Mỹ công khai cất trữ và sẵn sàng triển khai hàng trăm vũ khí hạt nhân chiến thuật ở các quốc gia đồng minh châu Âu như Đức, Ý, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ Hà Lan…
Vậy tại sao phương Tây lại “nhảy dựng” lên chỉ trích Moscow “gây nguy hại cho an ninh châu Âu và thế giới”, trong khi Nga chỉ làm điều tương tự ở Belarus? Đó phải chăng là cái “tiêu chuẩn kép trứ danh của phương Tây”?
Giới chức Moscow dẫn báo cáo của giới chuyên gia và truyền thông châu Âu cho biết rằng, hiện có khoảng 150 quả bom hạt nhân B61 của Mỹ đang cất trữ ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu.
Theo báo cáo năm 2019 của các cơ quan trực thuộc NATO, vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ ở châu Âu, gồm: Căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ; Buchel ở Đức; Aviano và Ghedi-Torre ở Italy; Volkel ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Hy Lạp hiện không cất trữ vũ khí hạt nhân Mỹ, nhưng có một cơ sở cất trữ trước đây được xây dựng ở nước này, hiện vẫn còn trong tình trạng bảo trì tốt, sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào.
Những vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ có thể được triển khai trên các máy bay chiến đấu của các quốc gia: Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó chủ yếu là F-16 của Mỹ bán cho các đồng minh và các chiến đấu cơ của Mỹ triển khai ở châu Âu.