Dưới sự điều hành của cựu chủ tịch Bartomeu, hàng loạt những thương vụ vung tay quá trán cùng quỹ lương khổng lồ dưới tác động của dịch Covid – 19 đã khiến Barcelona lâm vào tình cảnh trớ trêu.
Barcelona kết thúc năm tài chính 2020 với việc thua lỗ do khán giả không được vào sân vì dịch Covid – 19. Doanh thu chỉ tính riêng từ mảng bóng đá của câu lạc bộ sau mùa giải 2019/ 2020 đạt 715 triệu euro, nhiều nhất châu Âu theo bảng xếp hạng Football Money League của Deloitte, hơn đôi chút so với đại kình địch Real Madrid.
Tuy nhiên, mức doanh thu này sụt giảm tới 126 triệu euro so với mùa giải trước, đứng thứ hai trong số các câu lạc bộ thành lập European Super League, chỉ sau Manchester United của Anh (-131 triệu euro) và gấp 2 lần so với Real Madrid (-65 triệu euro).
Mặc dù vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng Deloitte Football League, song doanh thu của Barcelona đã giảm mạnh trong mùa giải 2019/ 2020 (Ảnh: Deloitte)
Tính tổng thể tất cả các mảng, doanh thu của Barcelona giảm 203 triệu so với dự kiến vì Covid – 19, chỉ đạt 855 triệu euro. Dự kiến cho mùa 2020/2021, trong trường hợp khán giả tới sân 25% vào tháng 12/ 2020 và 100% vào tháng 2/ 2021 [điều đã không xảy ra], doanh thu của câu lạc bộ dự kiến đạt 791 triệu euro, giảm 64 triệu euro so với năm trước.
Việc Messi không ở lại câu lạc bộ sẽ làm doanh thu của Barcelona tồi tệ hơn nữa, nhất là trong vấn đề về bản quyền hình ảnh, quảng cáo và các sản phẩm lưu niệm có liên quan tới tiền đạo này.
Trước mắt, bản hợp đồng mới gia với Rakuten có hiệu lực tới tháng 6/2022 chỉ còn giá trị 30 triệu euro/ năm, giảm tới gần một nửa so với hợp đồng cũ được ký năm 2016 (55 triệu euro/ năm).
Doanh thu của Barcelona giảm mạnh vì Covid – 19 (Ảnh: SwissRamble)
Song những bản hợp đồng tồi tệ dưới thời Bartomeu mới là mấu chốt của vấn đề, khi họ bỏ ra quá nhiều tiền cho việc mua cầu thủ kể từ sau khi bán Neymar, mà đóng góp của họ không hề tương xứng với mức lương cũng như số tiền chuyển nhượng.
Quỹ lương của cầu lạc bộ phình to kể từ năm 2015 – năm mà Bartomeu bắt đầu làm chủ tịch của đội, và họ nắm giữ vị trí số 1 ở chi phí lương cho cầu thủ kể từ đó cho tới hết 2020. Đặc biệt trong năm 2019, so sánh với 12 câu lạc bộ thành lập European Super League (ESL), Barcelona trả cho các cầu thủ của mình tới 501 triệu euro, tức cao hơn đội đứng thứ hai Manchester United tới 124 triệu euro (33%).
Đây là một con số khủng khiếp, nếu biết rằng kể từ mùa giải 2015/ 2016, Barcelona không giành thêm được một chiếc cúp Champions League danh giá nào (thành tích tốt nhất của câu lạc bộ này là vào bán kết mùa giải 2018/ 2019, nơi họ để thua Liverpool tới 0-4 trong trận lượt về)
Mức lương mà Barca trả cho cầu thủ của mình cao tới phi lý (Ảnh: SwissRamble)
Bartomeu cũng chi rất đậm trong những vụ chuyển nhượng của Barcelona, trong đó tính từ mùa giải 2017/ 2018 tới hết mùa giải 2019/ 2020, tổng số tiền mà câu lạc bộ chi ra để mua cầu thủ là 960 triệu euro, nhiều nhất trong nhóm ESL.
Mặc dù câu lạc bộ cũng cân đối nguồn tiền bằng việc bán cầu thủ, song tính trung bình từ năm 2018 đến 2020, họ tiêu tốn 132 triệu euro mỗi năm cho thị trường chuyển nhượng, tức gấp đôi mức trung bình trong giai đoạn từ 2013 tới 2017.
Số tiền mua cầu thủ trong 3 mùa gần nhất của Barcelona lên tới gần 1 tỷ euro (Ảnh: SwissRamble)
NỢ CŨNG LÀ MỘT VẤN ĐỀ NHỨC NHỐI CỦA CÂU LẠC BỘ
Cuối năm 2020, tổng nợ của họ đạt 480 triệu euro, tức là tăng tới gần 7 lần so với chỉ 2 năm trước đó, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (266 triệu euro). Tổng tiền và tương đương tiền của Barcelona chỉ là 162 triệu euro, do đó nợ ròng của họ đạt 318 triệu euro, tăng 11 lần so với năm 2018. Theo định nghĩa của UEFA, nợ của câu lạc bộ bao gồm cả nợ tài chính và nợ chuyển nhượng.
Tổng hai khoản nợ này của Barcelona là 803 triệu euro, đứng thứ 2 châu Âu – chỉ sau Tottenham – đội đang vay mượn để xây sân vận động, vốn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho họ trong tương lai.
Barcelona tăng gấp 2 lần tổng nợ của mình chỉ trong vòng hơn 1 năm (Ảnh: SwissRamble)
Do đó, so sánh với đại kình địch Real Madrid, tình hình tài chính của Barcelona kém hơn khá nhiều. Chỉ tính riêng năm 2020, trong khi Barcelona có lợi nhuận trước thuế là âm 128 triệu euro, thì Real vẫn có lãi dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (2 triệu euro).
Tính tổng 3 năm gần nhất, chênh lệch về lợi nhuận trước thuế của hai câu lạc bộ lên tới 203 triệu euro (Barcelona là lỗ 104 triệu euro, còn Real lãi 98 triệu euro). Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid vẫn rất tài tình trong việc cân đối thu chi cho câu lạc bộ, giúp cho họ là một trong số những đội bóng hiếm hoi có lợi nhuận mùa Covid.
Real Madrid làm kinh tế tốt hơn nhiều so với Barcelona những năm gần đây (Ảnh: SwissRamble)
Điều này cũng lý giải vì sao Real là đội được ban tổ chức La Liga áp dụng trần lương cao nhất tại giải đấu, tính từ mùa giải 2021/ 2021 (473 triệu euro), trong khi Barcelona chỉ được áp mức trần 347 triệu euro.
Họ đã vượt quá mức này trong mùa giải vừa qua (443 triệu euro), song theo luật của giải đấu, các câu lạc bộ được sử dụng 25% lợi nhuận chuyển nhượng để trang trải chi phí và 75% còn lại phải được dùng để trả nợ; do đó, Barcelona không vi phạm.
Hiểu một cách đơn giản, nếu Barcelona muốn mua về một cầu thủ có lương khoảng 25 triệu euro/ mùa, họ sẽ phải tăng 100 triệu euro doanh thu – hoặc bằng việc bán cầu thủ, hoặc bằng cách giảm lương những người còn lại.
Ở mùa giải 2021/ 2022 tới đây, trần lương của câu lạc bộ này sẽ bị cắt giảm chỉ còn 200 triệu euro, tức chỉ bằng khoảng 57% so với mùa trước đó. Điều này lý giải vì sao họ không thể ký hợp đồng với Messi, người hưởng 71 triệu euro/ năm tiền lương sau thuế, do vi phạm luật của giải đấu, kể cả khi anh này đồng ý giảm 50% số tiền mình nhận hàng năm. Và chủ tịch La Liga, ông Tebas cũng cho biết sẽ không có ngoại lệ cho việc này.
Barcelona bị giảm tới gần một nửa trần lương trong mùa giải vừa qua (Ảnh: SwissRamble)
Việc Barcelona chia tay Messi không chỉ đơn thuần là bóng đá. Nó cho thấy một Barcelona rệu rã, mục ruỗng từ bên trong với những chính sách cực kỳ sai lầm của cựu chủ tịch Bartomeu, mà đã được chứng minh rằng ông này điều hành câu lạc bộ nhằm tư lợi cho cá nhân.
Với việc Messi ra đi, các bản hợp đồng mới cũng chưa được ký chính thức do câu lạc bộ vẫn chưa đáp ứng được trần lương, liệu một cuộc khủng hoảng mới có xảy ra với Barcelona như những năm đầu của thế kỷ 21?
* Bài viết sử dụng tư liệu của Swiss Ramble