Vị bác sĩ chạy đua với tử thần ở tâm dịch Vũ Hán: Ngày đêm cứu chữa bệnh nhân dù vợ nhiễm virus corona, còn bản thân mắc bệnh nan y chỉ còn 3-5 năm để sống

Bác sĩ Trương Định Vũ (Ảnh: Ke Hao/China Daily) |

Bác sĩ Trương Định Vũ cho biết, ông trân trọng từng giây phút được cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm virus corona vì biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa.

“Khi cuộc sống của tôi đang đếm ngược mỗi ngày, tôi tha thiết muốn tận dụng từng giây phút một”, bác sĩ Trương Định Vũ - Giám đốc Bệnh viện Kim Ngân Đàm tại thủ phủ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Đây là nơi khởi nguồn của virus corona gây viêm phổi lạ, khiến cho hơn 7.800 người nhiễm bệnh, trong đó có 170 ca tử vong.

Dù đang mang trọng bệnh trong người, ông Trương vẫn cùng hơn 600 người đồng nghiệp túc trực tại bệnh viện suốt 1 tháng, kể từ khi nơi này tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên bị viêm phổi do virus corona gây ra.

Trước đó, vào tháng 10/2018, vị bác sĩ 57 tuổi này được chẩn đoán bị teo cơ xơ cứng một bên (ALS) - căn bệnh tấn công vào các tế bào thần kinh kiểm soát cơ bắp. Người mắc ALS thường chỉ sống được thêm từ 3-5 năm, bởi căn bệnh này hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa.

“Tất cả đồng nghiệp đều biết tính khí nóng nảy của tôi”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Hubei Daily. “Tôi trở nên nóng tính vì biết rằng mình chẳng còn nhiều thời gian cho cuộc đời này nữa”.

“Cơ chân tôi đã yếu đi nhiều vì chứng teo cơ, cơ thể cũng dần mất đi cảm giác… Tôi buộc phải chạy đua với thời gian để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng. Tôi phải chạy nhanh hơn nữa để giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay đại dịch nghiêm trọng này”, bác sĩ Trương cho biết.

Trong vòng 1 tháng qua, bác sĩ Trương chỉ có thể đi ngủ khi đồng hồ đã điểm 2h sáng, để rồi lại bật dậy chỉ 2 tiếng sau đó để trả lời vô vàn cuộc điện thoại khẩn cấp về bệnh nhân. Là một vị bác sĩ mạnh mẽ nhưng ông cũng phải bật khóc khi biết vợ mình bị nhiễm virus corona trong lúc đang làm việc tại một bệnh viện khác ở Vũ Hán.

“Tôi nhớ rằng đó là ngày 13/1. Tôi về nhà rất muộn và nói chuyện với bà ấy về một bệnh nhân bị khó thở sau một cơn động kinh”, bác sĩ Trương kể lại. “Lúc này vợ tôi mới tiết lộ rằng cô ấy cũng gặp những triệu chứng tương tự”. May mắn thay, bà đã được điều trị và hồi phục trong vòng 2 tuần.

Vị bác sĩ này cảm thấy có lỗi khi vợ mình bị nhiễm bệnh. “Có thể tôi là một bác sĩ giỏi, nhưng không phải là một người chồng tốt”, Zhang cho biết. Suốt 28 năm sống bên nhau, chưa bao giờ ông sợ mất vợ như lúc này.

Từ tháng 12/2019, bác sĩ Trương đã bắt đầu cảnh giác khi biết về một số ca viêm phổi không rõ nguyên nhân xuất hiện tại các bệnh viện trong thành phố. Bệnh viện Kim Ngân Đàm của ông đã tiếp nhận 7 bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên vào ngày 29/12 và thiết lập một khu vực riêng để điều trị cho các trường hợp này.

Theo bác sĩ Trương, vợ ông cũng là 1 trong 7 bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện, dù triệu chứng của bà khá nhẹ. “Điều quan trọng nhất là phải tăng cường hệ miễn dịch. Căn bệnh truyền nhiễm này không phải là không có thuốc chữa và điều chúng ta cần lúc này là chế ngự nỗi sợ hãi”, ông cho biết.

Vị bác sĩ chạy đua với tử thần ở tâm dịch Vũ Hán: Ngày đêm cứu chữa bệnh nhân dù vợ nhiễm virus corona, còn bản thân mắc bệnh nan y chỉ còn 3-5 năm để sống - Ảnh 1.

Y tá đang thăm khám cho bệnh nhân tại bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán hôm 28/1/2020. (Ảnh: Gao Xiang/China Daily)

Sau nhiều tuần chống chọi với dịch bệnh lạ, bác sĩ Trương và các đồng nghiệp đã có thể thở phào nhẹ nhõm vào thứ sáu tuần trước, khi nhóm trợ giúp y tế gồm 150 người được điều động từ Đại học Quân Y đến bệnh viện.

“Trong vòng 1 tháng qua, chúng tôi đã bị quá tải”, ông nói. “Thông thường, y tá sẽ đổi ca 2 tiếng/lần, nhưng sau đó, họ phải kéo dài thời gian làm việc thành 4-5 tiếng, chưa kể bác sĩ. Sự kiệt quệ về mặt thể chất càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Hiện tại, tình hình đã khá lên nhiều”.

Bác sĩ Trương tin rằng với trình độ khoa học và khả năng tài chính hiện tại, Trung Quốc sẽ dập tắt bệnh dịch này với một ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết “vững chắc như pháo đài”.

Bác sĩ Trương Định Vũ đã công tác tại bệnh viện Kim Ngân Đàm trong 6 năm. Suốt vài thập kỷ qua, ông luôn là người tiên phong trong các trường hợp y tế khẩn cấp, cũng như các nhiệm vụ cứu trợ y tế ở nước ngoài.

Ông cũng từng tham gia đội cứu trợ y tế cho các nạn nhân của trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 và giúp đỡ các bệnh nhân tại Algeria và Pakistan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại