Tháng 12/2018, nguyên Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa trúng cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính-tài trợ tại Đại hội 8 VFF. Nhưng chỉ nửa năm sau, vào tháng 6, ông Cấn Văn Nghĩa đã xin rút lui vì lý do cá nhân. Từ đó tới nay, VFF vẫn chưa có động thái chuẩn bị cho việc chọn người thay ông Nghĩa, dù chiếc ghế tài chính được đánh giá rất quan trọng.
Một trong những lý do khiến VFF chậm trễ trong việc này, như thông tin từ Liên đoàn, tình hình tài chính năm 2019 của VFF rất xán lạn. Cụ thể, tổng thu của VFF lên tới 240 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 747%.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, nguyên nhân một phần dẫn tới điều đó là thành tích rất tốt của các đội tuyển quốc gia 2 năm qua dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. Đầu tiên là vị trí Á quân của tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 (Thường Châu, Trung Quốc) rồi tới thành tích vào bán kết Asiad 2018 (Indonesia), và đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2018.
Nhưng thành tích trong bóng đá không phải lúc nào cũng ổn định. Ngoài chuyên môn, may mắn cũng là yếu tố quan trọng tạo nên chiến thắng. Việc kinh doanh của VFF cũng vậy, vừa “ù” lên cao, mới đây đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm. Ở góc độ nào đó cũng phải chia sẻ với VFF, bởi dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới toàn bộ các lĩnh vực trong xã hội, và bóng đá cũng không ngoại lệ.
Nước tới đâu thì VFF “nhảy”?
Nói vậy để thấy, việc sớm bổ sung vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính với VFF là rất quan trọng, mang tính lâu dài. Thế nên không thể không lo lắng khi cho tới thời điểm hiện tại, VFF chưa có kế hoạch cụ thể nào.
Trao đổi với PV Tiền Phong hôm qua, Tổng thư ký (TTK) VFF Lê Hoài Anh cho biết, trước mắt cần chờ dịch kết thúc khi đó mới dần làm quy trình để chọn ứng viên. Theo ông Lê Hoài Anh, việc bầu bổ sung ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính có thể tiến hành tại đại hội thường niên diễn ra cuối năm 2020. Quá trình chuẩn bị có thể mất khoảng 1 tháng trước khi hoàn tất để báo cáo, xin phép tổ chức đại hội.
Mặc dù vậy, nếu nhìn vào lịch sử việc bầu cử của VFF vốn mất rất nhiều thời gian, liên tục phải hoãn lại những lần trước đây, e rằng thời gian 1 tháng là khó để liên đoàn chuẩn bị một cách chu đáo. Đấy là chưa kể, các ứng viên cho vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính-tài trợ vừa qua đều là những gương mặt không thực sự tạo được tin tưởng, nếu không muốn nói còn gây lo lắng.
Thế nên nếu không có một quy trình lựa chọn nhân sự kỹ lưỡng, thực sự công khai và minh bạch, rất khó để VFF có thể lựa chọn được nhân vật thực sự có năng lực kiếm tiền, khai thác được tiềm năng của bóng đá để tạo đột phá về tài chính.
Thế giới bóng đá hai tháng qua đã chứng kiến xu hướng cắt giảm lương đồng loạt diễn ra ở nhiều CLB, liên đoàn. FIFA thậm chí đã phải ra lời kêu gọi cắt giảm lương để tránh nguy cơ đổ vỡ. Ở khu vực Đông Nam Á, LĐBĐ Thái Lan (FAT) từ sớm đã quyết định cắt giảm lương cán bộ, nhân viên và cả HLV Akira Nishino cho dù Thái Lan được đánh giá là quốc gia có nền tảng tài chính mạnh. Ông Akira Nishino thậm chí chấp nhận cắt giảm 50% lương để chia sẻ với FAT. Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ngay cả VFF sắp tới đây cũng đang lên kế hoạch cắt giảm lương cán bộ, nhân viên.