Sau thất bại ở bán kết AFF Cup, thứ đáng xấu hổ nhất đối với nền bóng đá Việt Nam chính là viên đá ném vỡ cửa kính xe đội bạn. Người Indo có chơi xấu với ta không? Người Indo có "ăn bẩn" trận cầu ấy không? Vậy mà họ phải nhận lấy một phản ứng vô văn hoá đến vậy sao?
Tất nhiên, một viên đá, của một khán giả quá khích, không thể làm đại diện cho cả nền bóng đá. Nhưng nếu chúng ta xem lại những phút cuối của trận bán kết lượt về ấy, và nhìn vào cảnh cầu thủ đội bạn trước khi đá phạt góc, cầm một vật mới bị ném về phía anh ta, chìa ra cho trọng tài xem, chắc chúng ta sẽ hiểu hơn.
Nó là một chiếc dép. Vâng. Một chiếc dép. Và sau khi anh ta chìa chiếc dép cho trọng tài, sau lưng anh ta lại có những chai nước bị ném xuống.
Rất nhiều chai lọ bị NHM quá khích ném xuống khu vực bên ngoài sân đấu ở trận Việt Nam 2-2 Indonesia tối 7/12 vừa rồi.
Đúng là không phải số đông khán giả Việt Nam vô văn hoá, nhưng số khán giả quá khích hành xử bất lịch sự thì chắc không nhỏ chút nào.
Sau trận đấu, trên facebook của cựu tuyển thủ Tuấn Phong có đăng một tấm ảnh. Đó là bức ảnh tuyển Việt Nam ăn mừng chức vô địch AFF Cup năm 2008. Đính kèm bức ảnh ấy là dòng tâm sự:
"Công Vinh và Thành Lương đã chia tay đội tuyển, coi như dàn cầu thủ vô địch 2008 không còn ai trên tuyển, nên có 1 trận đấu tôn vinh họ, vì không biết khi nào mới có vàng lần thứ 2".
Dàn cầu thủ cùng Công Vinh đoạt AFF Cup 2008 xứng đáng có một trận cầu tôn vinh.
Tuấn Phong nói đúng. Không phải vì thế hệ của em có chức vô địch AFF đầu tiên mà các em được quyền vinh danh bằng một trận cầu tôn vinh. Đơn giản, văn hoá có một trận cầu tri ân, và tôn vinh, các tuyển thủ quốc gia có cống hiến lâu năm cho ĐT khi họ giải nghệ là điều cần phải làm.
Thêm nữa, đó cũng là văn hoá mà mỗi CLB cần có. Chia tay một trụ cột của mình, khán giả rất muốn được thấy một trận cuối cùng, được tổ chức thật đẹp mắt, thứ mà vốn xưa nay, họ chỉ toàn được thấy ở trời Tây.
Năm 1997, vì nhiều lý do, trung vệ Mạnh Cường chia tay bóng đá. Trận cuối cùng của Cường ổi là trận Thể Công gặp Cảng Sài Gòn trên sân Cột Cờ. Trận ấy, nếu thua, Thể Công nhiều khả năng xuống hạng.
Và khi chia tay, các lứa cầu thủ Thể Công khi ấy, từ đội 1 cho đến lớp năng khiếu, xếp hàng kéo ra sân vinh danh người đội trưởng, với hoa đeo quanh cổ. Cường ổi trao lại số áo của mình cho Trung "bính", người sau này cũng là một trung vệ thuộc hạng xuất sắc nhưng tiếc là tật lại át hết cả tài.
Kể từ ngày ấy, chưa từng thấy một trận chia tay cầu thủ nào ở Việt Nam được tổ chức cho đàng hoàng cả.
Cựu trung vệ Mạnh Cường.
Cầu thủ nổi tiếng đến mấy, nghỉ rồi thì cũng chỉ có vài dòng báo chí nhắc đến, như một sự kiện, rồi thôi. Huống hồ gì những cầu thủ không thuộc diện lừng danh. Nghỉ rồi, coi như tự xoá mình khỏi bản đồ bóng đá quốc nội, tự vùi mình trong nỗi quên của mọi người.
Không nói chuyện yêu-ghét Công Vinh nữa, mà chỉ nói đến việc Lương dị và Công Vinh, hai cầu thủ gắn bó rất lâu dài với ĐTQG, họ cũng cùng ĐTQG qua cả thăng lẫn trầm rồi, họ có xứng đáng một trận cầu chia tay cho đàng hoàng hay không?
Đừng nói là "chỉ có mỗi cái chức vô địch AFF 2008 mà đòi hỏi". Cái "cân đong đo đếm" kiểu còn kinh khủng hơn cả con buôn ấy, ác lắm.
Hai năm trước, ĐTQG cũng thất bại ở bán kết AFF Cup. Nhưng có ai còn nhớ không, cái cảnh Lương dị chạy đi lấy bông băng y tế từ khu kỹ thuật của ĐT để mang tới khán đài cho một CĐV Việt Nam bị vỡ đầu chảy máu bởi các CĐV quá khích ở Malaysia?
Chỉ một hành động ấy, với người hâm mộ, có đáng nhận lại sự tri ân của những người yêu bóng đá và làm bóng đá hay không?
Thành Lương - chiến binh quả cảm của bóng đá Việt Nam.
AFF 2016 này, điều mà VFF làm được nhất, chính là việc các cựu danh thủ đã được mời tới sân dự khán trận lượt về bán kết. Trên khán đài, chúng ta có thể thấy Hồng Sơn, Mạnh Cường, Như Thuần… Đó là một hành động cần phải làm. Vì nó tử tế. Nền bóng đá không có sự biết ơn, sẽ luôn chỉ là một nền bóng đá manh mún mà thôi.
Tôi đã dự "trận cầu tháng Chín" của ĐT Pháp, ở Stade de France, và vinh dự ngồi ngay cạnh những Desailly, Thuram, Wiltord… Đó là trận mở màn mùa bóng mới của ĐTQG Pháp, vào năm 2014, ngay sau thất bại ở World Cup.
Và trước khi bóng lăn, giữa dàn quân nhạc rực rỡ, tất cả các danh thủ Pháp nhiều thế hệ được mời xuống sân, nhận tràng pháo tay từ khán giả cùng tấm áo phiên bản mới nhất của ĐTQG, với số áo họ từng gắn bó và tất nhiên, cả tên của họ in trên đó.
Nước Pháp luôn biết cách vinh danh những huyền thoại của họ.
Làm như họ, có đắt không? Không. Chỉ có tình người thì đắt thôi. Chứ tiền đầu tư cho một tấm vé máy bay, một tấm vé mời vào sân, một tấm áo, chẳng thấm vào đâu so với những chi phí không tên khác để vận hành một nền bóng đá mãi vẫn không hiệu quả.
Giả sử, chúng ta thắng Indo và chúng ta vào chung kết, thắng luôn cả Thái Lan thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc cả nước vỡ tung vì sung sướng. Lúc ấy, có ai đòi hỏi vinh danh gì những cầu thủ như Công Vinh, Thành Lương, chắc chẳng ai phản đối cả.
Nhưng nếu có một chiến thắng ấy đi nữa, chúng ta vẫn không thể thoát khỏi một sự thật mà tôi cần viết hoa: NỀN BÓNG ĐÁ CỦA TA VẪN KHÔNG THỂ SÁNH BẰNG CỦA NGƯỜI THÁI.
Thắng một trận cầu và cạnh tranh bằng cả một nền bóng đá, cái nào quan trọng hơn?
Tôi tin, người hâm mộ luôn chọn phương án thứ hai. Họ cần một nền bóng đá ngày một vững mạnh hơn. Nếu có một nền bóng đá như thế tồn tại, những kết quả của ĐTQG sẽ không bị biến thành điểm tựa để tạo áp lực lên lưng cầu thủ.
Và sau một thất bại, nên nghĩ đến chuyện làm bóng đá cho tử tế lại, cho đàng hoàng lại. Và để bắt đầu được sự tử tế lớn lao kia, hãy làm từ những điều tử tế nhỏ nhất.
Hãy ghi nhận những gì các cựu tuyển thủ đã làm được, hãy tri ân các thế hệ cựu danh thủ đi trước để họ là những huyền thoại thực sự kích thích thế hệ trẻ mỗi khi họ ngồi trên khán đài danh dự.
Và một khi, VFF biết làm điều tử tế, người hâm mộ chắc chắn cũng sẽ phải tự xem lại mình, để hành vi của mình không trở nên lạc lõng giữa rừng người nhiệt cuồng nhưng lịch sự…