Nhà địa vật lý Paul Bedrosian đến từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và các cộng sự khác từ USGS, Đại học bang Oregon (Mỹ) và Đại học Canterbury (New Zealand) vừa tìm ra một vết sẹo cổ đại nằm ngay bên dưới núi lửa St. Helens. Đây là ngọn núi lửa nổi tiếng trong thảm họa năm 1980 – thảm họa núi lửa được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Đỉnh núi St. Helen phủ băng tuyết - ảnh: GEOLOGYIN
Núi St. Helen tuyệt đẹp khi ngủ yên - ảnh: BIGFOOT NEWS
Năm đó, ngọn núi trông có vẻ khá hiền lành thuộc dãy Cascades, bang Washington đã bùng nổ với cột phun trào cao tới 24 km, dung nham cực dày và dính sau 2 tháng liên tục chuyển mình trong động đất và phun hơi nước nóng.
Thảm họa làm chết 57 người, phá hủy 250 ngôi nhà, 47 cây cầu, 24 km đường sắt, 198 km đường cao tốc, làm tan chảy các sông băng, gây lũ san phẳng 600 km2 rừng và khiến một vùng rộng lớn của nước Mỹ chìm trong bóng tối bởi tro núi lửa.
Cận cảnh vụ phun trào thảm họa 1980 - ảnh: ACCUWEATHER
Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Điều đáng ngạc nhiên là với tình hình địa chất của khu vực, núi St. Helens đáng lẽ không thể có sức công phá và loại dung nham dày, dính khủng khiếp như thế, dù dãy núi Cascades vốn thuộc Vành đai lửa Thái Bình Dương.
Ngoài ra, dù thuộc dãy núi đó nhưng St. Helen nằm khá trơ trọi, không ở nơi có các "bong bóng dung nham" bên dưới như các núi lửa khác trong dãy Cascades. Đáng lý, nó không phải một ngọn núi lửa.
Nghiên cứu mới này đã giải đáp bí ẩn gần 4 thập kỷ. Họ phát hiện một vết sẹo cổ đại ngay bên dưới ngọn núi lửa. Vết sẹo đó tạo nên một lối thông nguy hiểm như một chiếc ống hút khổng lồ hay một "cổng địa ngục", nối thẳng lòng núi tới khu vực cực sâu trong lòng trái đất, giải phóng loại magma sâu và nóng khủng khiếp, nguy hiểm hơn các núi lửa thông thường rất nhiều.
Miệng núi lửa khi đang ngủ yên - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Một hình ảnh khác trong vụ phun trào lịch sử - Ảnh: LIVE SCIENCE
Vết sẹo trái đất này hình thành từ khoảng 40-50 triệu năm trước, khi hai mảng kiến tạo lục địa mang tên Juan de Fuca và North American va vào nhau và bị hàn dính lại ngoài khơi bờ biển bang Washington và Oregon, tạo nên dãy núi lửa Cascade. St. Helen chẳng may nằm ngay ở vị trí lành không đẹp của vết sẹo, khiến cánh cửa đi vào lòng đất cổ đại còn bị bỏ ngỏ.
Năm 2016, ngọn núi cao 2.250 m này từng làm các nhà khoa học rùng mình lần nữa, khi 130 trận động đất cường độ nhỏ liên tục được ghi nhận bên dưới ngọn núi. Rất may là cho đến nay, St. Helens vẫn chưa có dấu hiệu trực tiếp cho thấy nó sắp bùng nổ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng không nên xem thường các trận động đất – dấu hiệu trở mình quen thuộc của núi lửa.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geosciences.