Bloomberg cho hay mặc dù bán lại thương hiệu cho Michael Kors nhưng gia đình Versace, hiện đang nắm giữ 80% cổ phiếu công ty, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ban lãnh đạo công ty.
Mua lại Versace là bước đi kế tiếp trong những kế hoạch của Michael Kors nhằm tăng uy tín với các đối thủ như LVMH (công ty mẹ của thương hiệu Louis Vuitton) hay Tapestry (công ty mẹ của thương hiệu Coach và Kate Spade). Trước đó, nhà mốt cao cấp đến từ xứ cờ hoa đã mua lại thương hiệu giày Jimmy Choo với giá 1,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Theo Neil Saunders, giám đốc điều hành công ty tư vấn GlobalData Retail, việc mua lại Versace sẽ giúp vị trí thương hiệu của Michael Kors trên toàn cầu thêm bền vững. Tuy vậy, Saunders cho rằng việc mua lại Versace sẽ giúp Michael Kors cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn nhưng lại không giúp nâng tầm thương hiệu Michael Kors.
Giám đốc điều hành Michael Kors, John Idol, đã dùng những từ như "di sản", "quy mô" để miêu tả thương hiệu Versace mà công ty ông chuẩn bị thâu tóm. Với 40 năm tồn tại trong làng thời trang, Versace là một thương hiệu được nhận diện toàn cầu. Năm 2017, nhà mẫu 40 năm tuổi này đã có lợi nhuận và doanh thu đạt gần 800 triệu USD.
Mặc dù là một thương hiệu thời trang tiếng tăm nhưng Versace lại găp khó trong việc phát triển kinh doanh, Neil Saunders cho biết. Chính vì thế theo Saunders, thứ mà Micheal Kors mua được sau khi chi số tiền 2 tỷ USD sẽ không phải là một thương hiệu hoàn hảo, mà chỉ là một cái tên cần được định vị lại nhằm phù hợp hơn với thị hiếu của khách hàng hiện đại.
Trên thị trường, các sản phẩm thời trang như quần áo của Versace có giá từ 350 - 10.000 USD, và là thương hiệu gắn liền với các ngôi sao mỗi khi xuất hiện tại thảm đỏ Oscar hay Met Gala.
Cả Versace và Michael Kors đều không đưa ra lời bình luận nào về thông tin nói trên. Trước những động thái của Michael Kors, các nhà đầu tư lại tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của thương vụ này, khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm 7% vào ngày 24/9.