VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô trên cao tốc: Không có luật nào xử lý phương tiện

Hoàng Đan |

Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu VEC báo cáo chính thức về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện vào đường cao tốc do đơn vị này quản lý, khai thác.

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) vừa ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV, đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong chiều 11/2, Tổng Cục đã yêu cầu VEC báo cáo chính thức về việc ngưng tiếp nhận vĩnh viễn hai phương tiện vào đường cao tốc.

Vị đại diện cho hay, sau khi có báo cáo chính thức, Tổng Cục sẽ căn cứ vào Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, các quy định luật giao thông để đối chiếu xem VEC có đủ thẩm quyền được cấm hay không, đối tượng bị cấm có đúng không bởi việc cấm phải có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Vị đại diện Tổng Cục cho hay, thông thường các xe đã vượt qua đăng kiểm thì được lưu hành, còn nếu có vi phạm thì xử lý lái xe chứ không có luật nào xử lý phương tiện.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng nêu rõ, hiện nay, tất cả các Thông tư về thu phí dịch vụ đường bộ và Luật Giao thông đường bộ,... chưa có quy định nào cho phép chủ đầu tư tuyến đường cao tốc từ chối phục vụ các phương tiện tham gia giao thông, chỉ có duy nhất luật Hàng không là có quy định cấm bay.

"Đường cao tốc là tài sản của Nhà nước nên chủ đầu tư không có quyền từ chối phục vụ các phương tiện vì chủ đầu tư chỉ là đơn vị làm dịch vụ thay nhà nước”, Luật sư Trương Anh Tú nhận định.

Luật sư Tú khẳng định, theo Điều 23 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rất rõ ràng “Công dân có quyền tự do đi lại”. Không một cá nhân nào hay tổ chức nào được phép đứng trên Hiến pháp và pháp luật.

Một chuyên gia giao thông ở Hà Nội khi được hỏi cũng nhìn nhận, việc người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì đối tượng bị xử lý là người vi phạm.

"Kể cả người điều khiển phương tiện có hành vi gây rối, mất trật tự thì đối tượng bị xử lý vẫn là người vi phạm chứ không phải phương tiện.

Ngoài ra, người ra quyết định xử lý người vi phạm phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không thể là doanh nghiệp khai thác, vận hành", vị này nói.

Vị này nhấn mạnh, Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10-1-2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác mà đơn vị này lấy làm cơ sở xử lý 2 xe trên cũng phải căn cứ quy định của pháp luật chứ không thể đứng trên pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại