Về văn hoá tẩy chay của anti-fan, anh Chánh Văn – Hoàng Anh Tú: "Tấn công bằng bàn phím là một con quái vật đói khát, và ai cũng có thể trở thành nạn nhân dự bị của nó"

Hoàng Anh Tú |

Mạng xã hội, khi mà đâu đâu cũng thấy những Huấn Hoa Hồng được tôn vinh, những vụ đánh ghen được cổ vũ, những lời mạt sát được thả tim? Có hay không những con người lên mạng chỉ để xả bàn phím vào bất cứ ai họ thấy không vừa mắt?

Trong mấy ngày qua, nhiều phóng viên đặt hàng tôi ý kiến về việc hoa hậu chuyển giới Hương Giang bị tấn công bởi các anti fan. Bởi tôi vốn là "người lắm chuyện" trong việc hay lên tiếng cho bình đẳng giới tại Việt Nam. 

Đặc biệt là với những câu chuyện mà nạn nhân là phụ nữ. Nhất là tôi có 23 năm làm báo Hoa Học Trò, 12 năm làm Chánh Văn, đối diện với hàng ngàn tâm sự của các fan lẫn các anti fan. Văn hoá thần tượng của những người trẻ mới lớn ra đời gần như cùng lúc với văn hoá tẩy chay- anti. Có khá nhiều những người trẻ mới lớn vừa là fan của người này vừa là anti-fan của idol khác. Như trong bóng đá có fan của Ronaldo vừa là anti-fan của Messi, và ngược lại.

Thậm chí, bản thân tôi cũng đã từng sa đà trong cuộc tranh cãi điên cuồng giữa fan của nhạc trẻ với fan của nhạc Rock ngày còn "trẻ trâu". 

Tuy nhiên, tất cả những sự fan hay anti-fan ấy chỉ dừng lại ở yêu- ghét. Yêu thì tung hô, bảo vệ idol và chiến đấu chống lại các anti fan. Ghét thì bóc phốt chê bai, tìm điểm xấu của idol mà dìm hàng. Những cảm xúc "trẻ trâu" ấy giống cơn mưa nắng của tuổi trẻ bồng bột. Vốn chẳng gây hại cho ai (dù ngôi sao nhiều người đọc comment của anti fan cũng ít nhiều tổn thương đấy).

 Về văn hoá tẩy chay của anti-fan, anh Chánh Văn – Hoàng Anh Tú: Tấn công bằng bàn phím là một con quái vật đói khát, và ai cũng có thể trở thành nạn nhân dự bị của nó  - Ảnh 1.

Cố diễn viên Sulli từng là nạn nhân của antifan xứ Kim Chi

Nhưng. Nhưng khi anti-fan được nâng level thì thật đáng sợ. Chuyện xảy ra với Sulli và Goo Hara bên xứ Kim Chi cho thấy việc anti fan có thể giết người bằng bàn phím là có thật. Khi mà văn hoá anti fan bị nâng cấp thành làn sóng tấn công một ngôi sao chứ không còn là chuyện cãi nhau chí choé giữa fan và anti fan nữa. 

Làn sóng tấn công ấy tưởng chỉ xảy ra ở xứ Hàn hay xứ Trung thì giờ đây đã "du nhập" về xứ Việt. Liên tục nhiều ngôi sao xứ Việt bắt đầu nhận những sự công kích kiểu thanh trừng và tận diệt thế này.

Từ Trấn Thành với câu lỡ miệng: "Ai không muốn xem tôi thì có thể tắt tivi". Đến Hoà Minzi bị ném đá vì lỡ đáp trả anti fan "Đừng dạy bảo chị phải làm gì". Trào lưu tấn công người nổi tiếng càng lúc càng dữ dội và khủng khiếp hơn khi hàng loạt người nổi tiếng bị đưa lên đoạn đầu đài.

Từ Hồ Ngọc Hà bị tẩy chay vì làm người thứ 3 đến Anh Khoa bị tố quấy rối tình dục. Từ MC Phan Anh bị tấn công mỗi ngày với việc kêu gọi quyên góp từ thiện, hay câu chuyện của cầu thủ Quang Hải bị hack nick FB đến vợ của cầu thủ Duy Mạnh bị tố đẻ một nơi quảng cáo một nẻo… Danh sách những cái tên người nổi tiếng ngày càng dài và dường như sẽ không bao giờ có hồi kết.

Thật khó mà tìm ra ngôi sao, người nổi tiếng nào chưa từng bị tấn công. Đến cả những người tên tuổi lẫy lừng như danh hài Hoài Linh cũng bị cư dân mạng bóc phốt. Hay mới chớm nổi tiếng sau một cuộc thi hay mới tham gia một chương trình cũng bị tấn công. Cứ như thể, tấn công bằng bàn phím là một con quái vật đói khát. 

Bởi nó chưa khi nào ngừng nghỉ. Ai cũng có thể trở thành một nạn nhân dự bị của nó. Thậm chí một câu lỡ lời của người thường cũng có thể biến họ thành ngôi sao sáng nhất khi bị đưa lên đoạn đầu đài. Tấn công bằng bàn phím đã và đang trở thành thứ "vũ khí huỷ diệt" đáng sợ.

 Về văn hoá tẩy chay của anti-fan, anh Chánh Văn – Hoàng Anh Tú: Tấn công bằng bàn phím là một con quái vật đói khát, và ai cũng có thể trở thành nạn nhân dự bị của nó  - Ảnh 2.

Hoa hậu chuyển giới Hương Giang vướng vào làn sóng tẩy chay của antifan

Trở lại câu chuyện của hoa hậu chuyển giới Hương Giang, rõ ràng là cuộc tấn công bàn phím đang vô cùng đáng sợ khi những kẻ trên mạng có kịch bản rõ ràng khi họ tấn công vào các nhãn hàng mà Hương Giang đang đại diện quảng cáo. Chiêu thức này đã từng được sử dụng trong chiến dịch tẩy chay Hồ Ngọc Hà lúc trước.

Các doanh nghiệp, tổ chức đã trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng. Nó đáng sợ như cách người dân Mỹ chặt đầu bức tượng Cristoforo Colombo- người phát hiện ra Châu Mỹ để phản ứng với vụ cảnh sát bắn chết người da màu. 

Tức là mọi sự liên đới với kẻ bị đưa lên đoạn đầu đài đều trở thành kẻ đáng chết. Thực sự, đó là cách hành xử của những người sống ở thế kỷ thứ 18 chứ không phải những người hiện đại. Như trong các bộ phim cổ trang, người ta đưa kẻ phạm tội đi rong phố xá để dân chúng ném gạch đá trứng thối vào người vậy. Tấn công bằng bàn phím đang quay lại cái thời đó rồi ư?

Mạng xã hội liệu có còn là một môi trường an toàn và là nơi gieo trồng sự tử tế, lây lan hạnh phúc và những điều tích cực? Hay giờ nó đã trở thành nơi để người ta lên đó xả những phẫn nộ, kêu gọi tấn công bằng từ ngữ xấu xí, nuôi dưỡng lòng hận thù, gieo những điều tiêu cực? Khi mà đâu đâu cũng thấy những Huấn Hoa Hồng được tôn vinh, những vụ đánh ghen được cổ vũ, những lời mạt sát được thả tim?

Có hay không những con người lên mạng chỉ để xả bàn phím vào bất cứ ai họ thấy không vừa mắt?

Và càng nổi tiếng thì càng phải bị ném đá? Hương Giang lên sóng quá nhiều nên thấy ghét.

Và khi đã ghét thì phải moi cho bằng được mọi chứng cứ để chứng minh họ đáng ghét thế nào. Những kẻ tấn công bàn phím quá giỏi trong việc tìm kiếm những điểm yếu của người chúng muốn tấn công.

Như câu chuyện vui mà anh Trần Vũ Hoài, một doanh nhân tôi vô cùng ngưỡng mộ, viết trong status của anh. Rằng khi tranh cãi với anh không được, một kẻ chuyên tấn công bằng bàn phím đã xúc xiểm anh là… răng vổ.

Một hình thức body shaming luôn được ưa chuộng của những kẻ tấn công bằng bàn phím. Hương Giang, Hoà Minzy, Trấn Thành... hay lúc trước là khá nhiều các ngôi sao khác cũng đã bị body shaming kiểu đó. Đến cả quan chức hay người thường (Tuesday- người thứ 3) cũng bị miệt thị hình thể theo kiểu đó.

 Về văn hoá tẩy chay của anti-fan, anh Chánh Văn – Hoàng Anh Tú: Tấn công bằng bàn phím là một con quái vật đói khát, và ai cũng có thể trở thành nạn nhân dự bị của nó  - Ảnh 3.

Dù poster chương trình không hề có tên và hình ảnh của Hương Giang nhưng các antifan vẫn lên tiếng khi biết cô sẽ xuất hiện trong chương trình.

Tôi cho rằng pháp luật cần vào cuộc mạnh tay hơn nhưng trước hết, chính cách chúng ta hành xử văn minh trên mạng xã hội mới là điều cần phải được nói đến nhiều hơn. Một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hay những lời kêu gọi của chính các KOL’s trong mỗi cộng đồng của mình là cần thiết. Đừng im lặng. 

Đừng coi đó chỉ là chuyện Hương Giang, không liên quan đến mình. Mà hãy nhớ, mỗi chúng ta đều sẽ là một nạn nhân dự bị. Đừng tiếp tục nuôi dưỡng cho những hận thù, cho những lời kêu gọi huỷ diệt một ai đó, làm tổn hại đến một doanh nghiệp, tổ chức nào.

Trước khi quyết định một comment của mình, hãy Suy Nghĩ.

Nếu bạn biết, Suy Nghĩ (THINK) gồm:

[T]- True, Sự Thật- Nó có phải là Sự Thật không?

[H]- Helpful, Nó có lợi ích gì không?

[I]- Inspiring, nó có tạo ra cảm hứng gì không?

[N]- Necessary, nó có cần thiết không?

[K]- Kind, nó có tử tế không?

Giá mà mọi người hiểu...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại