Học xong đại học, Trần Huyền Ân theo chồng về Hà Tĩnh trồng bưởi sinh thái.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí của Đại học ở Đà Nẵng, cô gái Trần Huyền Ân (SN 1991, quê huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) theo chồng về thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) lập nghiệp.
Chồng Ân là Trần Xuân Loát, dù tốt nghiệp đại học ngành thể dục thể thao nhưng chàng trai này lại thích làm kinh tế ở quê hương mình. Sau khi ra trường, dù có nơi nhận vào làm việc nhưng Loát lại quyết định cùng Ân về quê để phát triển kinh tế trang trại mặc bố mẹ và người thân phản đối.
Thuận lợi ban đầu là đất đai của gia đình khá rộng nên anh chị quyết định sẽ phát triển giống bưởi Phúc Trạch là cây chủ lực. Tuy nhiên, để bắt tay vào khởi nghiệp, vấn đề khó khăn nhất lại là nguồn vốn.
Ban đầu, với số vốn 150 triệu đồng nên anh chị chỉ trồng 100 gốc bưởi.
Tất cả đồ trang sức sau lễ cưới đều được đôi trẻ mang đi bán sạch để phục vụ khát vọng làm giàu của mình. Cộng với số tiền vay mượn của người thân, và vốn vay từ Hội phụ nữ xã cùng ngân hàng chính sách, tổng cộng được khoảng 200 triệu đồng.
Xác định trồng bưởi phải mất thời gian dài mới có thu nhập, vì vậy để trang trải cho cuộc sống, tăng thêm nguồn thu nhập, trong thời gian đầu anh chị còn chăn nuôi gà, lợn, bò, vịt,... đồng thời kết hợp cả buôn bán bưởi để "lấy ngắn nuôi dài".
Nhưng mọi thứ không suôn sẻ, đôi vợ chồng trẻ có những lúc lâm vào cảnh bị mất vốn và âm nợ.
Hai vợ chồng Trần Huyền Ân và Trần Xuân Loát thu hoạch bưởi tại vườn. |
Không chấp nhận thất bại, anh chị đã đọc thêm sách vở về chăn nuôi, chăm bón cây ăn quả. Từ 100 gốc bưởi ban đầu, đến nay, vườn bưởi của vợ chồng Ân đã trồng được 500 gốc bưởi Phúc Trạch, hiện khoảng 200 gốc đã cho quả. Mùa tết vừa qua, vườn bưởi cho thu hoạch trên 5.000 quả bưởi với giá bán lẻ 70.000 đồng/quả.
Để tạo nên sản phẩm sạch, đôi vợ chồng trẻ chọn cách chăm sóc cây bưởi bằng phân hữu cơ, không dùng phân vô cơ hay thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vì phân ủ vi sinh giúp cải tạo đất, giữ được môi trường tự nhiên của đất.
Anh Loát cho biết, cây bưởi được bón bằng phân hữu cơ giúp cải tạo đất, giữ được môi trường tự nhiên. |
Chị Ân chia sẻ: “Bí quyết trồng bưởi sạch là chăm sóc bằng phân ủ vi sinh. Phân bò cùng phân gà trộn lẫn với nhau rồi ủ cùng vi sinh Trichoderma. Sau khi ủ từ 3 đến 6 tháng cho phân thật hoai thì bón khoảng từ 50 đến 80kg cho một gốc bưởi. Đồng thời, dùng phế phẩm nông nghiệp có sẵn như thân cây ngô, cây chuối, rơm rạ, cắt cỏ xung quanh tấp vào gốc để giữ độ ẩm cho đất”.
Để tăng lượng đạm cho cây, anh chị ngâm ốc bươu vàng với mật ong xấu màu, cùng men vi sinh bản địa (là các vi sinh vật có lợi như Trichoderma, sữa chua, men tiêu hóa, đường nâu, cám gạo…,). Sau khi ngâm từ 3 đến 6 tháng hỗn hợp sẽ thành phân và tưới vào gốc theo 4 thời kỳ: Sau thu hoạch, trước khi ra hoa, sau khi đậu quả, trước thu hoạch 1 tháng.
“Những nơi nhiều cá thì họ làm phân cá để bón cho cây. Còn ở mình ốc bươu vàng rất nhiều nên chúng tôi ủ bằng ốc. Cá hay ốc đều rất nhiều đạm, có tác dụng rất tốt đối với cây trồng, vật nuôi”, Huyền Ân chia sẻ thêm.
Nhờ bón phân hữu cơ nên vườn bưởi luôn xanh tốt, khỏe mạnh, không sâu bệnh, ra nhiều hoa, đậu nhiều quả. |
Huyền Ân cho biết, sau khi dùng bao bọc quả để chống côn trùng còn bổ sung phân bón từ cá nhập khẩu ở Hàn Quốc với trọng lượng 300g/cây. Nhờ đó, vườn bưởi luôn xanh tốt, khỏe mạnh, không sâu bệnh, ra nhiều hoa, đậu nhiều quả.
Ngoài ra, tùy theo thể trạng của cây mà giữ lại số quả nhất định. Những quả xấu, quả nhỏ hoặc sai quá thì cắt bỏ, trung bình chỉ để lại từ 50 đến 70 quả/1 cây.
Anh Trần Xuân Loát chia sẻ thêm: “Một yếu tố tạo nên sản phẩm bưởi sạch, cần đặc biệt quan tâm là trong quá trình ra hoa kết trái, tuyệt đối không dùng thuốc kích hoa, đậu quả, mà chủ yếu là chăm sóc từ rễ. Khi quả bằng đầu ngón tay chỉ phun thuốc tự chế để phòng trừ sâu róm.
Thuốc tự chế để phòng sâu bệnh gồm: sả, rượu, ớt, gừng, riềng, thuốc lào, lá xoan, men vi sinh bản địa ngâm ủ thật kỹ. Đặc tính của hỗn hợp này là cay, nóng, hăng, đắng khiến sâu bọ, côn trùng không dám bén mảng tới”.
Những quả bưởi Phúc Trạch đầu tay của 2 vợ chồng trẻ. |
Cũng theo anh Loát, ngoài việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm của mình, vợ chồng anh còn liên kết với 30 vườn bưởi Vietgap, tiêu thụ khoảng 60.000 quả (tương đương 50 tấn), chủ yếu xuất đi TP Vinh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Điện Biên.
Tận dụng nguồn hoa bưởi dồi dào, anh chị kết hợp làm trà hoa bưởi. Cứ 1kg trà thì dùng 500g hoa bưởi ướp từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ sau đó sao khô và đóng gói.
Tận dụng hoa bưởi ướp trà |
Cũng từ nguồn hoa bưởi dồi dào, năm 2016, vợ chồng Ân kết hợp nuôi ong lấy mật. Hiện tại, trong vườn của gia đình có 20 tổ ong, mỗi năm thu hoạch gần 1000 lít với giá bán 200.000 đồng/lít.
Năm 2020, sản phẩm mật ong hương bưởi của vợ chồng anh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hà Tĩnh.