Đặc sản vùng miền Việt Nam có không ít món lạ lùng mà người dân từ những nơi khác có khi sẽ nghĩ không bao giờ có thể trở thành món ăn. Chính những món đó đem đến sự đa dạng cho ẩm thực Việt. Tất nhiên sẽ có tranh cãi, nhưng vốn ẩm thực chẳng thể phân định đúng - sai, thích - ghét rõ ràng mà!
Một câu chuyện về chủ đề này đang được chia sẻ nhiều trên MXH, tình huống như sau: Một cô nàng về quê bạn trai được mời ăn cỗ, trên mâm có một món khá lạ, cô bèn hỏi “Vì sao thịt này trắng, ăn dai như thịt gà nhưng lại có tới 4 cái đùi?”. Nhìn cô gái lần đầu thưởng thức đặc sản có câu hỏi ngây ngô, người nhà chàng trai bật cười.
Hoá ra món cô gái vừa ăn là thịt chuột, một đặc sản của nhiều vùng quê miền Bắc như Thạch Thất (Hà Nội), Đình Bảng (Bắc Ninh), Cổ Dũng (Hải Dương), làng Đồn Xá (Thái Bình)... Về cơ bản thịt chuột ở những nơi này đều là chuột đồng, nhưng đa dạng cách sơ chế, kiểu nấu.
Về cơ bản thịt chuột được mô tả là có vị ngọt, thịt trắng, chế biến đủ sẽ thơm, dai, nên nhiều người liên tưởng đến thịt gà. Cách nấu thịt chuột cũng tuỳ vùng, phổ biến nhất là nướng, luộc, giả cầy, quay, xào sả ớt…
Có thể đánh bắt thịt chuột đồng gần như quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào các đợt cuối vụ gặt - tháng 5, 9, 12 Âm lịch. Khi ấy chuột cũng béo hơn nhờ ăn thóc đồng. Người dân từng vùng linh hoạt trong cách đánh bắt chuột: đánh bẫy cạm, huấn luyện chó, đổ nước vào hang, hun khói, đánh vợt… Người ta thường ra đồng từ sáng sớm, khi Mặt trời chưa mọc để bắt chuột.
Về cách sơ chế, thịt chuột trước khi nấu cần xử lý khá cầu kỳ, ví dụ như dội nước sôi 70 độ C để làm lông, nếu nước nóng hơn thì sẽ làm tuột da chuột. Sau đó chuột được đem thui, mổ bụng, cắt chi, đầu, đuôi… Ngày nay số lượng thịt chuột hoang dã không còn dồi dào như trước do diện tích đất nông nghiệp ở các vùng quê bị thu hẹp đáng kể.
Nguồn: Tổng hợp