Gần Tết, thương lái khắp nơi đổ về làng Đại Hoàng của tỉnh Hà Nam để "săn" chuối ngự.
Sự tích chuối ngự "tiến vua"
Người dân làng Đại Hoàng kể rằng: Vào thời nhà Trần, hàng năm vua Trần cùng các văn võ bá quan, cờ xí rợp trời xuôi thuyền từ Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần đến ngã 3 Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại. Dân các làng đổ ra mừng đón. Mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ để dâng tiến vua.
Cặp vợ chồng nông dân nọ ở làng Đại Hoàng, vì nghèo không có vật gì quý giá dâng tiến nên rất băn khoăn. May sao trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ xinh xắn đã chín, tỏa hương thơm ngát, họ bèn chặt hạ, đưa tiến vua với niềm cung kính mong được nhà vua thông cảm.
Chuối ngự "tiến vua" ở Hà Nam nổi danh khắp cả nước. Loại chuối này quả nhỏ, vỏ mỏng, ruột chuối vàng, dẻo, ăn thơm ngon, ngọt đậm...
Trông thấy buồng chuối nhỏ nhưng rất đẹp, quả căng tròn, vàng óng, vua cho gọi vào. Nhà vua bèn nếm thử, thấy vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để cho thần dân khắp nơi cùng thưởng thức. Từ đó loại chuối này ở Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự hay còn gọi là chuối "tiến Vua".
Có lẽ vì thế, từ nhiều năm nay, sản phẩm đặc sản chuối ngự Đại Hoàng được nhiều người lựa chọn mua làm quà biếu, quà tặng, bày mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán.
Hiện làng Đại Hoàng có trên 300ha chuối ngự, giá trị đạt khoảng 100 triệu đồng mỗi ha.
"Đổi đời" nhờ chuối ngự
Vào mỗi độ Tết đến, xuân về, chuối ngự làng Đại Hoàng được thương lái đến lùng mua và vận chuyển đi muôn phương phục vụ người dân cả nước bày ngũ quả thờ cúng gia tiên dịp Tết cổ truyền. Nguồn thu từ chuối ngự giúp nhiều nông dân trong làng thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương, bên dòng sông Châu Giang trù phú.
Chuối ngự Đại Hoàng đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Những ngày này, làng Đại Hoàng tấp nập người ra vào để mong có thể "săn" chuối ngự "tiến vua". Phóng viên VOV.VN vào thăm vườn chuối ngự của gia đình anh Trần Khắc Hiền - một trong những hộ dân có vườn chuối rộng lớn và kỳ công chăm sóc, tạo dựng thương hiệu chuối Ngự Hoàng.
Vườn chuối nhà anh Hiền đang vào vụ, các buồng chuối được che chắn cẩn thân, gốc chuối được vun thành hàng thẳng tắp, chỉ nhìn qua thôi cũng có thể biết được gia đình "lão nông" này chăm sóc vườn chuối công phu, tỉ mỉ như thế nào.
Chuối ngự được người trồng che chắn kỹ như "báu vật".
Nói về bí quyết để trồng được buồng chuổi Ngự Hoàng có màu vàng đẹp, cuống xanh tươi, quả đều tăm tắp, anh Nguyễn Khắc Hiền cho biết, chuối ngự Đại Hoàng rất kén đất, chỉ phù hợp với dải đất ven sông Châu Giang chảy qua địa phận một số xã của huyện Lý Nhân bởi khu vực này là đất pha cát.
"Chất lượng đất thì không có một nơi nào ở Việt Nam mà có được vi lượng chất đất tốt tốt như ở làng Đại Hoàng. Vì vậy, chuối ngự Đại Hoàng có chất lượng thơm, ngon đặc trưng mà các vùng khác đưa giống về trồng không có được", anh Hiền tự hào "khoe".
Tuy nhiên, dù ở Đại Hoàng thổ nhưỡng, khí hậu, gió mùa rất tốt, phù hợp cho cây chuối phát triển, nhưng bí quyết để khi chín chuối vẫn đẹp mã (có màu vàng cam, cuống có màu xanh tươi) lại ở khâu cách trồng và chăm sóc.
"Cây chuối ngự được áp dụng phương pháp trồng mới giãn cách, mỗi gốc chuối chỉ để một cây mẹ cho buồng và một mầm con tạo lứa mới. Để thu hoạch buồng chuối ngự, phải hạ cây chuối xuống thấp và cẩn thận từng chút một để tránh bị dập", anh Hiền chia sẻ.
Chuối được "sưởi ấm" để nhanh chín và chín đều.
Chuối ở làng Đại Hoàng nổi tiếng khắp vùng không chỉ ăn thơm ngon mà cách giấm chuối cũng rất an toàn. Người dân không dùng hóa chất, mà chỉ dùng trấu và tro "sưởi ấm" cho chuối chín.
Bà Trần Thị Lan, mẹ anh Nguyễn Khắc Hiền, một người phụ nữ có thâm niên mấy chục năm trồng chuối và giấm chuối ngự Đại Hoàng bộc bạch: Để chuối nhanh chin và chín đều, nhà vườn treo những buồng xanh lên giàn, cách mặt đất khoảng 1m, ở dưới dùng trấu đốt, lấy hơi nóng "sưởi ấm" cho chuối.
"Vào mùa hè chỉ mất 7 tiếng sưởi ấm liên tục là chuối chín. Còn mùa đông phải mất tới 24 tiếng thì chuối mới chín và cho ra lò được", bà Lan nói.
Cứ vào vụ Tết là gia đình bà Lan lại tất bật đóng hàng cho khách.
Chị Hằng – một thương lái từ Nam Định đến tận làng Đại Hoàng để mua chuối. Chị đặt mua từ rất sớm, trước Tết 1 tháng, thậm chí từ khi chuối mới trổ hoa để đảm bảo có hàng bán Tết. "Đa số thương lái chúng tôi đi đặt hàng tại nhà dân từ lúc chuối ngự Đại Hoàng còn xanh, vẫn "treo" ở trên cây", chị Hằng nói.
Chuối ngự "tiến vua" khác với những loại chuối thường, dáng quả nhỏ, khi chín có màu vàng cam, cuống có màu xanh tươi.
Theo ông Trần Khắc Nam - chủ vườn chuối ở thôn 15, làng Đại Hoàng, mỗi độ cận Tết, chuối ngự Đại Hoàng thường "cháy hàng", thương lái đến tận vườn giá bán tại vườn đã có giá 40.000đ - 60.000đ/nải, cao gấp mấy lần so với các loại chuối cùng loại thông thường nhưng vẫn luôn chiếm được cảm tình của người mua.
Tuy nhiên, năm nay do thời tiết bất thuận, sản lượng chuối ngự giảm mạnh, khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm.
"Tôi coi mỗi cây chuối là một đứa con tinh thần của mình, luôn sát sao và theo dõi sự trưởng thành của chúng. Thời gian tôi ở ngoài vườn còn nhiều hơn thời gian sinh hoạt ở nhà", ông Năm tâm sự.
Từ khi cây mới trổ hoa đã có khách đặt hàng nên chuối ngự Đại Hoàng "ra lò" đến đâu là tiêu thụ hết đến đấy.
Những năm gần đây, người trồng chuối ở Đại Hoàng khấm khá lên nhờ trồng chuối. Trung bình giá mỗi buồng chuối khoảng 100 – 300 nghìn, tương đương 30 – 50 nghìn đồng/nải. Vào dịp lễ, Tết thì giá cao hơn, có thể gấp đôi, gấp ba ngày thường. Cá biệt, có những buồng chuối mã đẹp, sai quả, dày nải giá lên tới cả triệu đồng.
Do đó, nếu thời tiết thuận lợi, được mùa được giá thì người dân làng Đại Hoàng luôn có được cái Tết ấm no, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.