Trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều vụ phóng vệ tinh vào không gian. Ảnh: Reuters
Theo dự báo của các nhà phân tích tại RAND Corporation có trụ sở ở Mỹ, các hạn chế trong việc phóng vệ tinh vào không gian sẽ được đưa ra trong 5 năm tới do nguy cơ va chạm với các mảnh vỡ trong không gian và nguy cơ xảy ra thảm họa.
Các nhà phân tích của RAND Corporation cho rằng, những quy định quốc tế về các vụ phóng trong không gian, tương tự như các quy tắc trong lĩnh vực hàng hải và vận tải hàng không, là cần rất cần thiết.
Tính đến đầu năm nay, đã có gần 7.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo gần Trái đất, cũng như hơn 36.500 mảnh vụn vũ trụ có kích thước lớn hơn 10 cm mỗi mảnh và khoảng 1 triệu mảnh khác có kích thước từ 1 đến 10cm. Số lượng ngày càng tăng của các vật thể trong quỹ đạo gần Trái đất làm tăng nguy cơ va chạm, RAND Corporation lưu ý.
Họ cảnh báo, nếu các cường quốc không gian không sớm thành lập một tổ chức quản lý giao thông không gian quốc tế, thế giới có thể xuất hiện những sự cố đáng tiếc.
Ngày càng có nhiều quốc gia và công ty tư nhân sử dụng vệ tinh không gian cho mục đích quốc phòng, liên lạc, điều hướng, theo dõi và dự báo thời tiết hoặc nghiên cứu khoa học. Đến năm 2030, hàng chục nghìn vệ tinh mới có thể được phóng vào quỹ đạo thấp của Trái đất.
Nhận thức về môi trường ngày càng xấu đi trong không gian gần Trái đất đã thúc đẩy cuộc tranh luận quốc tế về các khả năng quản lý và điều phối quốc tế, ví dụ được thảo luận hàng năm tại các cuộc họp của tiểu ban pháp lý của Liên hợp quốc về "Sử dụng Không gian vì mục đích Hòa bình" (UNCOPUOS). Tuy nhiên, vẫn chưa có thỏa thuận về quy định cuối cùng sẽ được tạo ra. Và mặc dù trong hơn 40 năm qua, ít nhất hàng chục hội nghị lớn về quy định quốc tế về các vụ phóng vào vũ trụ đã được tổ chức, nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn.
Tính hợp pháp của cơ chế quản lý quốc tế đối với không gian chỉ có thể có được khi có sự tham gia của các cường quốc không gian chủ chốt, mà các chuyên gia gọi là Mỹ, Trung Quốc, EU và Nga, cũng như cần phải có sự tham gia của các tổ chức khu vực và các nước đang phát triển.
Do đó, RAND Corporation đề xuất ký kết một công ước quốc tế trong vòng 5 năm tới để thành lập một văn phòng quốc tế về "giao thông không gian". Ngoài ra, bắt đầu công việc xây dựng một tổ chức như vậy ngay bây giờ có thể làm giảm khả năng xảy ra xung đột trong tương lai trong không gian.
"Sự phát triển của Internet và các loại hình viễn thông cũng như tình hình quân sự căng thẳng (đòi hỏi số lượng vệ tinh quân sự tăng lên gấp nhiều lần) đã khiến số lượng vệ tinh phóng vào không gian tăng lên gấp 10 lần", Ivan Andriyevsky, Phó Chủ tịch Liên đoàn kỹ sư Nga nêu quan điểm.
Ông Andriyevsky nói: "Số lượng vệ tinh sẽ tăng lên vào các quỹ đạo hiện có và các quỹ đạo mới sẽ được phát triển. Lượng rác vũ trụ sẽ tăng theo cấp số nhân. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến nguy cơ các phương tiện vũ trụ va chạm ngày càng tăng, vì vậy đến một lúc nào đó, các quốc gia sử dụng phương tiện trong vũ trụ sẽ buộc phải đạt được thỏa thuận".
Ông Andriyevsky lưu ý thêm: "Vấn đề là trình tự như thế nào, với ai, Nga hiện không có gì để nói với Mỹ, cho nên Nga trước tiên phải đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, sau đó cùng nhau đưa ra các điều kiện đối với Mỹ".
Vị thế của Nga trong lĩnh vực không gian gần đây đã bị suy yếu, trong khi tiềm năng của Trung Quốc trong lĩnh vực này đang tăng lên nhanh chóng. Vào năm 2022, Mỹ đã thực hiện khoảng 90 lần phóng vào không gian. Trung Quốc là 64, phá kỷ lục trước đó là 55 lần phóng vào năm 2021. Cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos chỉ thực hiện 22 lần phóng vào năm ngoái, trong khi năm 2020 là 17 lần phóng.
Tính đến thực tế là có 179 lần phóng trên thế giới vào năm 2022, Nga chiếm hơn 10% (để so sánh, năm 1990, Nga đã phóng 65 tên lửa, tỷ lệ của nước này là 54% số lần phóng trên thế giới trong năm đó, năm những năm 1970 - 1980, Liên Xô đã thực hiện hơn 100 vụ phóng tên lửa mỗi năm). Theo Roscosmos, Nga có khoảng 170 vệ tinh đang hoạt động, trong khi Trung Quốc có hơn 430 và Mỹ có gần 2.800.