VĐV Nguyễn Thị Ngọc Huyền: Tôi sinh ra cho Cầu Mây

Bạch Dương |

(Tổ Quốc) - Năm 2023 dù chưa kết thúc nhưng có thể nói là một năm "thành công" của đội tuyển Cầu mây Việt Nam nói chung và bản thân Ngọc Huyền nói riêng khi giành được tổng cộng 6 huy chương ở các giải đấu lớn.

Mối duyên của Ngọc Huyền với môn Cầu mây đến một cách khá bất ngờ. Năm 2012, trong thời điểm đang theo học lớp 7, Ngọc Huyền bất ngờ nhận được bài kiểm tra từ một HLV cầu mây từ Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể thao CAND về địa phương khảo sát.

"Tôi được giáo viên thể dục gọi xuống sân trường và thử các động tác với Cầu mây. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với trái cầu nên không biết đá ra sao, chỉ biết làm đúng những gì vốn hay thực hiện khi chơi cầu trinh với bạn bè. Sau đấy tôi được kiểm tra thêm một số bài bật cao, bật nhảy" - Ngọc Huyền chia sẻ.

VĐV Nguyễn Thị Ngọc Huyền: Tôi sinh ra cho Cầu Mây - Ảnh 1.

Năm 2023 được xem là một năm thành công với đội tuyển Cầu mây Việt Nam

Vài hôm sau bài kiểm tra, Huyền bất ngờ nhận tin mình được tuyển chọn vào Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể thao CAND. Đứng trước ngã rẽ cuộc đời của cô con gái, ban đầu gia đình và cả cô giáo chủ nhiệm đều không tán thành bởi học lực của Huyền rất tốt.

"Lúc ấy, tôi cảm giác có một cái duyên gì đấy với Cầu mây và rất muốn đi nên đã thuyết phục mọi người thay đổi ý kiến. Khi đến nơi tập trung dù là lần đầu xa nhà nhưng tôi không khóc mà lại có cảm giác thân thuộc, như cái duyên về với ngôi nhà thứ 2 vậy" - Ngọc Huyền nhớ lại.

Sau 7 năm tập luyện, thi đấu trong màu áo CAND, đến năm 2019, Ngọc Huyền được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, trong 2 năm tiếp theo, đội tuyển Cầu mây Việt Nam không có cơ hội thi đấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các giải đấu buộc phải hoãn.

Đến năm 2022, khi SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, cô gái xứ Thanh đã lần đầu tiên được Ban huấn luyện trao cơ hội thi đấu ở nội dung nữ 3 người. Dù không quá thành công trong lần đầu được thi đấu chính thức nhưng đây là bước khởi đầu cho những thành tích của Ngọc Huyền cùng đồng đội.

Những tấm huy chương và sự khổ luyện

Năm 2023 dù chưa kết thúc nhưng có thể nói là một năm "thành công" của đội tuyển Cầu mây Việt Nam nói chung và bản thân Ngọc Huyền nói riêng khi giành được tổng cộng 6 huy chương (3 tấm HCV và 3 HCB) tại các giải đấu lớn.

Đáng kể nhất trong đó là tấm HCV tại giải Vô địch cầu mây thế giới lần thứ 36 năm 2023 hay còn gọi là Giải cầu mây King's Cup được tổ chức tại Korat (Thái Lan) sau khi đánh bại tuyển Indonesia ở nội dung cầu mây nữ 4 người.

Chỉ vài tháng sau, tại ASIAD lần thứ 19 trên đất Trung Quốc, Huyền và đồng đội tiếp tục gặp lại tuyển Indonesia trong trận chung kết nội dung 4 người. Dù để đội bạn dẫn trước trong hiệp đầu, nhưng với bản lĩnh của nhà vô địch thế giới, các cô gái Việt Nam đã lội ngược dòng thành công để giành chiến thắng chung cuộc, qua đó mang về tấm HCV thứ 2 cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

VĐV Nguyễn Thị Ngọc Huyền: Tôi sinh ra cho Cầu Mây - Ảnh 2.

Ngọc Huyền cùng đồng đội giành tấm HCV tại ASIAD 19

Con số Huy chương Vàng mà Huyền có được trên đất Trung Quốc sẽ còn tăng nếu đội tuyển Việt Nam không thua sít sao trước đối thủ nhiều duyên nợ là Thái Lan tại chung kết nội dung 3 người. Trước đó, Ngọc Huyền và đồng đội cũng giành Huy chương Vàng cầu mây đôi nữ tại SEA Games 32 được tổ chức ở Campuchia.

Để có những thành công liên tiếp đó, Huyền cùng đồng đội phải trải qua những ngày luyện tập vô cùng khắc nghiệt và sự kỷ luật cao.

"Trước ASIAD 19, bọn tôi thường dành từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày để tập luyện. Ngoài 6 tiếng tập mỗi ngày, chúng tôi sẽ tự giác tập thêm 1-2 tiếng để cùng nhau căn chỉnh từng động tác cho đến khi nhuần nhuyễn, tự tin thi đấu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập kĩ các bài tập hình dung (ổn định tâm lý) giúp mọi người tự tin hơn trước các trận đấu" - Ngọc Huyền cho biết.

Sau mỗi ngày tập, Ngọc Huyền đều giữ thói quen ghi nhật ký. Trong đó, ngoài những mốc thời gian sinh hoạt hàng ngày, cô gái sinh năm 1999 còn ghi lại kĩ càng, tỉ mỉ những thiếu sót trong quá trình thi đấu, tập luyện để đúc rút kinh nghiệm, tránh lặp lại sai sót.

Theo chia sẻ của Ngọc Huyền, thói quen này được hình thành ngay từ những ngày đầu theo tập Cầu mây và đã được duy trì liên tục trong 11 năm, từng bước giúp cô gái xứ Thanh cải thiện chuyên môn, tâm lý.

"Tôi vẫn còn giữ những cuốn nhật ký ghi từ năm đầu theo nghề. Việc ghi lại sẽ giúp tôi giữ kỷ luật tốt hơn và cũng giải tỏa được những suy nghĩ tiêu cực" - Ngọc Huyền chia sẻ.

Bên cạnh chuyên môn, ngoài giờ tập luyện, thi đấu, Ngọc Huyền cũng đang theo học văn hóa. Cô đang học năm thứ 4 Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh với dự định theo đuổi con đường huấn luyện sau khi kết thúc sự nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại